I. PHONG CÁCH HỌC LÀ GÌ ?
1. Phong cách là gì?
Phong cách là một thuật ngữ dùng chung cho nhiều ngành nghệ thuật chỉ phẩm chất của một tính cách đạt đến độ ổn định cao, không lặp lại và trở thành dấu hiệu để phân biệt công trình sáng tạo này với công trình sáng tạo khác. Trong các lĩnh vực hoạt động ngoài văn học, khái niệm phong cách được dùng với một nghĩa rất hẹp và rất chặt chẽ. Không phải công trình nghệ thuật nào cũng có phong cách mà chỉ có những công trình đạt đến một trình độ nghệ thuật điển hình mới được gọi là tác phẩm có phong cách. Ví dụ phong cách hội họa phục hưng; phong cách cổ điển Pháp (kịch, kiến trúc, hội họa). Phong cách luôn mang tính đặc trưng riêng cho từng tác giả, trường phái, thời đại…
Có thể đưa ra định nghĩa về phong cách như sau: Phong cách là một cấu trúc hữu cơ của tất cả các kiểu lựa chọn tiêu biểu, hình thành một cách lịch sử, và chứa đựng một giá trị lịch sử có thể cho phép ta nhận diện một thời đại, một thể loại, một tác phẩm hay một tác giả.
Không phải thời đại nào cũng có phong cách. Một thời đại có được một phong cách khi nghệ thuật của nó đạt đến một trình độ phát triển cao hơn không lặp lại ở các thời đại khác. Phong cách không đồng nghĩa với hình thức bởi vì phong cách chứa đựng cái nhìn đối với hiện thực. Phong cách được tạo nên từ khả năng sáng tạo của tác giả trên cơ sở những biểu hiện của cuộc sống hiện thực. Nó chính là thế giới trong ta, thế giới được chủ thể tái tạo lại theo tiêu chuẩn thẩm mĩ của thời đại trên năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ. Sở dĩ điêu khắc Hi Lạp trở thành phong cách là vì tìm được sự hài hòa tuyệt mĩ giữa cơ thể và tinh thần, sự thanh thản của con người trong cái thế cân bằng lí tưởng. Ở Việt Nam, văn chính luận đã có từ lâu (từ khi có báo chí), nhưng phải đến Hồ Chủ tịch, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh thì nó mới trở thành một phong cách chính luận thực sự. Bởi vì phong cách chính luận không phải chỉ căn cứ vào hình thức từ ngữ, cách lập luận, hệ lô gíc của các phán đoán mà còn phải dựa vào trình độ sử dụng ngôn ngữ đạt đến tính khuôn mẫu cho phép chúng ta có thể phân biệt được bản thân nó với các phong cách khác.
Thế nào là phong cách tác giả?
Mỗi một thời đại có những trào lưu, khuynh hướng nhất định. Những trào lưu, khuynh hướng đó được tạo nên từ các tác phẩm có giá trị đánh dấu những bước tiến mới của một ngành nghệ thuật. Phong cách tác giả
là kết tinh những tinh hoa nghệ thuật trong trong những khuynh hướng, trào lưu gắn liền với tên tuổi của từng cá nhân.
Họ làm nên phong cách thời đại chứ không phải thời đại tạo ra phong cách tác giả. Phong cách tác giả bao giờ cũng đưọc hình thành từ sự sáng tạo, tức là tác giả bao giờ cũng phải đứng trên những tinh hoa nghệ thuật của thời đại để sáng tạo ra một sản phẩm nghệ thuật ở trình độ cao hơn. Ví dụ Nguyễn Du đã tiếp thu truyền thống truyện Nôm, đỉnh cao của thể thơ lục bát dân gian, ngôn ngữ dân gian (từ láy, khẩu ngữ, quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ, điển tích, điển cố thuần Việt và Hán-Việt) để sáng tạo ra Truyện Kiều theo cách riêng của mình và thành công rực rỡ trên cả hai bình diện hình thức và nội dung; Hồ Xuân Hương đã tiếp thu thơ Đường và tinh hoa thơ ca dân gian tiếng Việt để tạo ra một thứ thơ Nôm vừa cổ điển lại vừa dân gian, đậm đà tính dân tộc và tính nhân loại.
Yêu cầu: Tìm và phân tích một số tác phẩm nghệ thuật có phong cách (nghệ thuật ngôn từ và các loại hình nghệ thuật khác)
2. Phong cách ngôn ngữ
Khi tiếng nói trở thành phương tiện giao tiếp phổ thông, con người đặt ra một câu hỏi: Nói như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. Rất nhiều lời giải đáp cho câu hỏi này tổng kết về cách sử dụng cũng như sự thể hiện phẩm chất, năng lực, tính cách của người nói: ăn nhai, nói nghĩ; lời nói không mất tiền mua – lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; chó ba khoanh mới nằm – người ba lăm mới nói; lời nói gói vàng – lời nói đọi máu; biết thì thưa thốt không biết dựa cột mà nghe; trượt chân đỡ được, trượt miệng thì không đỡ được; chim khôn hót tiếng rảnh rang – người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe; nhân kỳ thanh bất kiến kỳ hình; một lời nói dối sám hối bảy ngày; một lời nói tự đáy lòng – còn làm ấm cả ba đông cho đời; bạc vàng thử lửa thử than – chuông kêu thử tiếng người ngoan thử lời; Chim khôn kêu tiếng rảnh rang – người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe; Người thanh tiếng nói cũng thanh – chuông kêu khẽ đánh bên vành cũng kêu; Đất gặng trồng cây khẳng khiu – những người thô tục nói một tiu cũng phàm…Tất cả những đúc rút cách sử dụng lời nói và vai trò của lời nói ở trên là tổng kết của dân gian có tính chất kinh nghiệm. Khi xã hội phát triển, việc nghiên cứu cách sử dụng ngôn ngữ sao cho có hiệu quả mới trở thành một khoa học và khoa học về phong cách ngôn ngữ ra đời. Vậy phong cách ngôn ngữ là toàn bộ những đặc điểm về cách thức diễn đạt tạo thành kiểu diễn đạt trong mỗi loại văn bản nhất định. Mục đích giao tiếp đòi hỏi người tham gia giao tiếp phải tiến hành lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ phù hợp với từng lĩnh vực giao tiếp cụ thể.
Khi sử dụng ngôn ngữ, con người có xu hướng phân loại chúng dựa vào những tiêu chí và mục đích phân biệt khác nhau. Căn cứ vào phạm vi địa lý: ngôn ngữ toàn dân và ngôn ngữ địa phương; căn cứ vào hình thức (vật chất) tồn tại: ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết; căn cứ vào tính chất tạo nghĩa: ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ phi nghệ thuật (ngôn ngữ chung/ ngôn ngữ văn hóa); căn cứ vào lĩnh vực giao tiếp trong hoạt động thực tiễn: ngôn ngữ sinh hoạt, ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ báo, ngôn ngữ chính luận, ngôn ngữ nghệ thuật.
3. Phong cách học
Là khoa học nghiên cứu về các quy luật sử dụng ngôn ngữ đạt hiệu quả cao. Hiệu quả trong sử dụng ngôn ngữ phụ thuộc vào hai nhân tố:
– Nhân tố ngoài ngôn ngữ: Yếu tố tâm lí, xã hội, văn hóa v.v.
– Nhân tố ngôn ngữ: Là các phương tiện cấu thành ngôn ngữ như: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp…
Các yếu tố này đan chéo nhau tạo thành phương tiện biểu hiện. Phong cách học nghiên cứu các nguồn phương tiện ngôn ngữ ở cả hai bình diện trên.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG CỦA PHONG CÁCH HỌC
1. Đối tượng
Đối tượng chung nhất của phong cách học là các phương tiện ngôn ngữ.
a. Các phong cách chức năng ngôn ngữ
Trong giao tiếp, khi nói hay viết, tự giác hay không tự giác, người sử dụng đều tiến hành theo những quy tắc riêng tạo thành những đặc trưng về phương tiện ngôn ngữ. Nét đặc trưng đó gọi là phong cách ngôn ngữ. Phong cách là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tính đúng đắn và tính hiệu quả của ngôn ngữ trong giao tiếp. Ví dụ ngôn ngữ văn chương sử dụng nhiều các từ ngữ mang màu sắc biểu cảm, trong khi nó lại vắng mặt trong ngôn ngữ khoa học.
b. Quy luật lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ
Phong cách học nghiên cứu các cách thức lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ phù hợp với từng lĩnh vực giao tiếp cụ thể. Các quy luật lựa chọn đó là các quy luật lựa chọn phương tiện ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, cấu trúc hình thức, các phương tiện biểu cảm, các phương tiện trung hòa sắc thái biểu cảm vv…
c. Các yếu tố biểu cảm của ngôn ngữ
Tính biểu cảm là thuộc tính để phân biệt tín hiệu ngôn ngữ với các loại tín hiệu khác. Nội dung thông báo ở các loại tín hiệu như nhau song tính biểu cảm chỉ có trong ngôn ngữ. Việc sử dụng ngôn ngữ trong các lĩnh vực giao tiếp khác nhau đòi hỏi phải có sự lựa chọn. Khi nói tới các yếu tố biểu cảm người ta thường nghĩ tới các phong cách như ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ đời thường. Các yếu tố biểu cảm là các yếu tố ngôn ngữ mang nội dung thông tin bổ sung bên cạnh nội dung cơ bản. Sự thể hiện của tính biểu cảm: tác tử tình thái (trợ từ, thán từ, câu tình thái); các hình ảnh gợi liên tưởng, gợi cảm.
2. Nhiệm vụ của phong cách học
– Phân loại các phong cách chức năng.
– Nghiên cứu các phương tiện biểu hiện về phong cách ngôn ngữ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
– Nghiên cứu một số vấn đề giản yếu về thi luật thơ tiếng Việt.
III. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CHUNG
1. Chuẩn mực ngôn ngữ và chuẩn mực phong cách
a. Chuẩn mực ngôn ngữ
Là toàn bộ các phương tiện ngôn ngữ được sử dụng, đã được mọi người thừa nhận, được xem là đúng và mẫu mực trong một xã hội nhất định và trong một thời đại nhất định, cũng như các quy tắc của xã hội đối với ngôn ngữ đó.
Chuẩn mực ngôn ngữ không phụ thuộc vào bất kì phạm vi nào của hoạt động giao tiếp. Nó được ứng dụng rộng rãi và mang tính phổ thông. Nó trả lời cho câu hỏi: Có dùng đúng với ngôn ngữ văn hóa không? Ví dụ: vì sao là ngôn ngữ chuẩn mực còn răng là tiếng địa phương.
b. Chuẩn mực phong cách
Chuẩn mực phong cách là toàn bộ các chỉ dẫn thể hiện tính quy luật bắt buộc trong việc lựa chọn và sử dụng các phương tiện ngôn ngữ thích hợp cho từng lĩnh vực giao tiếp trong các kiểu văn bản trong từng thời kì nhất định.
Chuẩn mực phong cách gắn với phạm vi của hoạt động lời nói trong từng kiểu, loại văn bản cụ thể. Nó trả lời cho câu hỏi: Dùng các phương tiện ngôn ngữ có phù hợp với thể loại văn bản này không? Ví dụ: Đặt câu sau đây vào văn bản khoa học là sai chuẩn mực phong cách: Cư dân chủ yếu của vùng Bắc cực là chim cánh cụt; Việc sử dụng thành công chất liệu ngôn ngữ địa phương trong bài thơ Mẹ Suốt của Tố Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên, Việt Bắc của Tố Hữu…
2. Tiêu chuẩn của một lời nói tốt
Một lời nói tốt cần đạt được các tiêu chuẩn sau đây:
– Tính chính xác: Một lời nói được coi là có tính chính xác khi nó có sự phù hợp hoàn toàn giữa nội dung câu nói với hiện thực khách quan. Nó phải phản ánh một cách sát thực những gì thuộc về lô gíc của cuộc sống. Ví dụ không thể đưa vào văn bản văn chương hình ảnh bông lựu nở vào mùa đông, đành rằng trong văn chương có sự liên tưởng chủ quan của tác giả song mọi sự liên tưởng đều phải phù hợp với lô gíc của hiện thực khách quan.
Ví dụ: – Cỏ non xanh tận chân trời (Nguyễn Du)
– Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong (Thâm Tâm)
– Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung (Xuân Diệu)
Lô gíc nghệ thuật là lô gíc liên tưởng. Vì vậy, tính chính xác trong ngôn ngữ nghệ thuật được hiểu là sự tuân thủ quy tắc của lô gíc liên tưởng. Ví dụ: thuyền dùng để chỉ người đàn ông và nhấn mạnh thuộc tính bất định. Sợi buồn dùng để chỉ nỗi buồn vấn vương như tơ nhện. Tất cả đều phải dựa trên những nét tương đồng để thiết lập quan hệ. Tính chính xác có thể gọi là tính trong sáng. Phẩm chất này được cấu thành từ hai thuộc tính: tính phổ thông và tính phong cách. Lời nói được gọi là trong sáng trước hết người nghe phải hiểu được, sau đó là người nghe hiểu được điều cần diễn đạt một cách chính xác và tinh tế (dùng ngôn ngữ đúng hoàn cảnh). Ví dụ, gặp một người đàn ông thân quen hơn mình 5 tuổi trong bàn tiệc, ta có thể nói: Chào đồng chí. Người nghe hiểu được người nói đang chào mình nhưng nếu dùng từ anh thay cho đồng chí thì hiệu quả giao tiếp sẽ cao hơn hẳn. Hiện nay có tình trạng phê phán cách sử dụng ngôn ngữ thiếu trong sáng tràn lan và tùy tiện mà người phê phán chẳng dựa vào một tiêu chí khoa học nào cả (ví dụ, có người nghiên cứu ngôn ngữ lại lên án cách dùng của các từ như game thủ, cẩu tặc, lâm tặc, sưa tặc, khoáng tặc…). Tóm lại, ngôn ngữ trong sáng là ngôn ngữ truyền đạt thông tin đạt hiệu quả cao nhất từ người nói tới người nghe.
– Tính đúng đắn: Tính đúng đắn được hiểu là sự tuân thủ các chuẩn mực văn hóa về phương tiện ngôn ngữ thể hiện qua các mặt như: Quy tắc về phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, cấu trúc ngữ pháp v.v.
– Tính thẩm mĩ: Phẩm chất này chỉ có trong lời nói nghệ thuật. Tính thẩm mĩ được tạo nên nhờ các phương tiện tạo hình, phương tiện diễn cảm và phương tiện chuyển nghĩa.
Tóm lại, một lời nói tốt là một lời nói truyền đạt được ý đồ của người nói đến người nghe một cách có hiệu quả nhất. Muốn đạt đến đích này nó cần phải có ít nhất 3 phẩm chất nói trên.
3. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ trong hoạt động
giao tiếp
Đó chính là hoàn cảnh giao tiếp, đối tượng tham gia giao tiếp;mục đích giao tiếp; phương tiện giao tiếp; nội dung giao tiếp.
Trong đối tượng tham gia giao tiếp, các yếu tố cần chú ý là: quan hệ vai của người tham gia giao tiếp (thân thuộc hay không thân thuộc, ngang vai hay khác vai…); các phẩm chất của người tham gia giao tiếp (trình độ học vấn, trạng thái tâm lí…)
Giao tiếp ngôn ngữ cũng là một loại hoạt động xã hội. Nó được thể hiện qua các dạng như: tường thuật một vấn đề, nghi vấn một vấn đề, đề nghị thực hiện một hành động nào đó… Tất cả các hoạt động ngôn ngữ như vậy người ta gọi là hành vi ngôn ngữ. Giao tiếp trong ngôn ngữ được chia làm hai loại: Giao tiếp đơn thoại và giao tiếp hội thoại. Giao tiếp đơn thoại chỉ quan tâm đến người nói mà không quan tâm đến phản ứng hồi đáp của người nghe. Vai trò của người nhận bị trừu tượng hóa đi và không hề ảnh hưởng đến nội dung của câu nói. Giao tiếp hội thoại luôn đặt người nói trong mối quan hệ với người nghe hay đặt một phát ngôn vào chuỗi diễn ngôn của những sự tương tác qua lại trong cuộc đối thoại. Như vậy trong hội thoại, những lời nói của từng nhân vật không chỉ tác động lẫn nhau về hình thức mà còn tương tác lẫn nhau cả về nội dung và cùng nhau diễn biến trong quá trình hội thoại.
Trong giao tiếp bằng lời các nhân vật luôn đóng một vai trò quan trọng. Họ thứ tự thực hiện các vai giao tiếp khác nhau theo qui tắc luân phiên lượt lời hay là qui tắc đổi ngôi.
Trong văn bản viết vai giao tiếp có thể phức tạp hơn văn bản nói. Nhân vật có thể là người kể chuyện (tôi trong Lão Hạc); có thể là người dẫn chuyện (Mẫn và tôi, Tam quốc diễn nghĩa) với lời mở đầu thường là Lại nói về…, hãy trở lại với.., sau đó mới đến lời kể chuyện. Người dẫn chuyện thường ở ngôi thứ 3. Nhân vật hội thoại đích thực đóng vai trò quan trọng trong cuộc thoại. Họ xuất hiện với hai tư cách: là người đánh giá tình hình cụ thể, tự xem xét mối quan hệ giữa mình với người giao tiếp (về tuổi tác, địa vị…) để chọn lựa lời xưng hô thích hợp và sử dụng các hành vi ngôn ngữ phù hợp. Vai giao tiếp là người phát ra hay tiếp nhận hành vi giao tiếp, vì thế khi xem xét đến nội dung hội thoại không thể bỏ qua nhân vật hội thoại.
4. Sự khác nhau giữa dạng nói và dạng viết
a. Về phương tiện vật chất
Dạng nói dùng âm thanh và có sự hỗ trợ của các yếu tố phi ngôn ngữ. Dạng viết dùng chữ viết và dấu câu làm phương tiện biểu hiện. Trong dạng nói sự thay đổi ý nghĩa và cảm xúc được thể hiện phần lớn bằng ngữ điệu. Trong dạng viết ngữ điệu không tồn tại, các loại dấu câu diễn đạt các mối quan hệ trong thành phần lời nói. Chính vì vậy trong một văn bản viết (đặc biệt là văn bản văn chương) nếu khi đọc không chú ý đến các dấu hiệu ngữ điệu sẽ làm cho nội dung có sự khác biệt rõ rệt so với dụng ý của người viết.
b. Về điều kiện của hoạt động giao tiếp
Dạng nói hướng vào sự tri giác và sự phản ứng không chậm trễ của người nhận. Dạng viết dùng văn tự làm chất liệu thể hiện nên để hiểu được nội dung thông tin cần phải đọc nhiều lần. Trong khi đó dạng nói nhờ vào các yếu tố ngoài ngôn ngữ hỗ trợ như cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, ánh mắt… dễ dàng giúp người nghe nắm bắt được thông tin một cách chính xác. Như vậy:
– Muốn nói tốt cần phải có tư duy tốt, phát âm đúng và sử dụng có hiệu quả điệu bộ, cử chỉ thích hợp cho từng phát ngôn cụ thể.
– Muốn nghe tốt cần phải tổng hợp ý nghĩa của lời nói với sắc thái tình cảm thông qua ngữ điệu, cử chỉ của người nói.
– Muốn viết tốt cần phải có tư duy tốt và phải sử dụng phương tiện ngôn ngữ phù hợp với chuẩn mực văn hóa và chuẩn mực phong cách.
– Muốn đọc tốt cần phải có năng lực tổng hợp ý nghĩa thể hiện của văn bản và sự hiểu biết sâu sắc nội dung của văn bản đó.
IV. MỘT SỐ KHÁI NIỆM VỀ PHONG CÁCH HỌC
1. Sắc thái phong cách
Sắc thái phong cách là phần thông tin bổ sung nội dung biểu đạt của phương tiện ngôn ngữ gợi cho ta hoàn cảnh sử dụng của phương tiện ngôn ngữ đó. Sắc thái phong cách là đặc điểm khu biệt của phương tiện ngôn ngữ sử dụng thích hợp cho mỗi trường hợp, đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Tóm lại, sắc thái phong cách là kết quả của việc sử dụng phương tiện ngôn ngữ thích hợp cho từng trường hợp giao tiếp ngôn ngữ cụ thể.
2. Sắc thái biểu cảm
Các phương tiện ngôn ngữ thể hiện thái độ bình giá chủ quan của người nói đối với đối tượng được đề cập tới tạo ra cho phát ngôn sắc thái biểu cảm.
Như vậy sắc thái biểu cảm là phần thông tin bổ sung nội dung biểu đạt của phương tiện ngôn ngữ biểu thị thái độ bình giá chủ quan của người nói đối với phần nội dung cơ sở. Sắc thái phong cách và sắc thái biểu cảm có thể cùng xuất hiện trong một phương tiện ngôn ngữ. Ví dụ: Nhãi ranh: phong cách sinh hoạt hàng ngày; khinh ghét, coi thường.
Căn cứ vào sắc thái biểu cảm người ta chia các loại văn bản thành các lớp sau:
PCCN
Màu sắc nn |
Hành chính | Khoa học | Báo-Chínhluận | Văn chương |
Lô gíc |
|
|
|
|
Cảm xúc |
|
Bài giảng, sách giáo khoa |
|
|
3. Màu sắc tu từ
Tu từ là sự lựa chọn từ ngữ. Màu sắc tu từ là sắc thái ý nghĩa của từ nằm trong thế lựa chọn giữa nó với các từ khác cùng loại. Màu sắc tu từ là một khái niệm phong cách học chỉ phần thông tin bổ sung bên cạnh phần thông tin cơ bản của từ trong phát ngôn. Ví dụ:
Bà bủ nằm ổ chuối khô
Đêm nay không ngủ bà lo bời bời (Tố Hữu)
Qua các ví dụ trên chúng ta thấy rằng màu sắc tu từ hay giá trị tu từ chỉ được tạo khi ở đó có một sự lựa chọn từ ngữ đạt đến đỉnh cao không thể thay thế.
Yêu cầu: Tìm và phân tích một số phương tiện ngôn ngữ có màu sắc tu từ trong sách giáo khoa tương ứng.
4. Phương tiện tu từ
Xưa nay nói đến phương tiện tu từ là nói đến ngôn từ trong thơ ca. Ngôn từ trong thơ ca là ngôn từ được lựa chọn để miêu tả sự vật hiện tượng một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh vốn có của nó như là một sự vật hiện tượng hết sức phức tạp chứ không phải là những sự vật hiện tượng mang những thuộc tính đơn nhất. Chính vì vậy từ ngữ trong văn chương là loại từ ngữ tu từ. Nó như những lăng kính thực sự mà qua đó người thưởng thức như ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào lăng kính đó để thấy được tất cả các sắc màu lung linh mà mắt thường không nhìn thấy được. Nói tóm lại, phương tiện tu từ là phương tiện ngôn ngữ mà ngoài ý nghĩa cơ bản (ý nghĩa sự vật lô gíc) còn có ý nghĩa bổ sung nhờ vào màu sắc tu từ. Như vậy có những phương tiện ngôn ngữ không phải là phương tiện tu từ đó là những phương tiện ngôn ngữ trung hòa sắc thái biểu cảm.
5. Biện pháp tu từ
Trong giao tiếp bình thường người ta kị lối nói vòng vo, màu mè, lặp lại. Ngôn ngữ văn học lại khác. Để diễn tả được cái tinh tế, phức tạp, muôn màu muôn vẻ của đời sống vật chất và tinh thần, ngoài vấn đề lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ thích hợp, người sử dụng còn cần phải biết sắp xếp, tổ chức các phương tiện đó theo những cách thức nhất định nhằm làm cho khả năng biểu đạt của các phương tiện ngôn ngữ đó đạt đến mức cao nhất. Cách thức tổ chức sắp xếp đó người ta gọi là biện phát tu từ. Như vậy nói đến phương tiện tu từ là nói đến mặt chất liệu, còn nói đến biện pháp tu từ là nói đến các cách thức sử dụng các phương tiện ngôn ngữ đó. Ví dụ:
Đi ta đi khai phá rừng hoang
Hỏi núi non cao đâu sắt đâu vàng
Hỏi biển khơi xa đâu luồng cá chạy
Sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy
Hỏi đâu thác nhảy cho điện xoay chiều
(Tố Hữu)
Những hình thức câu hỏi tu từ được liệt kê một cách liên tục đã tạo nên một ý nghĩa mới cho tổng thể đoạn thơ: Khát vọng lớn lao trong việc đánh thức những tiềm năng to lớn của đất nước phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng đời sống mới.
Tóm lại, biện pháp tu từ là những cách phối hợp, sử dụng trong hoạt động lời nói các phương tiện ngôn ngữ để tạo ra hiệu quả tu từ.
Yêu cầu: Tìm và phân tích một số phương tiện và biện pháp tu từ trong sách giáo khoa Ngữ văn tương ứng.
BÀI 2: PHONG CÁCH NGÔN NGỮ SINH HOẠT
I. KHÁI QUÁT
1. Định nghĩa
Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt hay còn gọi là phong cách sinh hoạt hàng ngày, phong cách khẩu ngữ từ nhiên là lớp phát ngôn được sử dụng trong giao tiếp đời thường. Đó là những lời nói của các cá nhân tham gia giao tiếp nhằm trao đổi tư tưởng tình cảm của mình với người khác.PCSHHN có hai dạng: SHHN tự nhiên và SHHN văn hóa.
2. Các dạng của ngôn ngữ sinh hoạt
Ngôn ngữ hàng ngày bao gồm hai dạng: nói và viết. Trong đó dạng nói chiếm ưu thế. Tồn tại dưới dạng nói là những lời trò chuyện, thăm hỏi, trao đổi, nhận xét, đánh giá v.v. Tồn tại dưới dạng viết là những dòng thư ngắn báo tin, chào hỏi, nhật kí v.v.
II. CHỨC NĂNG NGÔN NGỮ VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA PHONG CÁCH SINH HOẠT
1. Chức năng ngôn ngữ
Ngôn ngữ trong phong cách sinh hoạt mang chức năng giao tiếp lí trí (chủ yếu là trao đổi tư tưởng tình cảm); chức năng tự thể hiện; chức năng giải trí.
2. Đặc trưng ngôn ngữ
Ngôn ngữ sinh hoạt là một ngôn ngữ phong phú và phức tạp. Nó thiên về sự thể hiện những chi tiết đời thường, riêng lẻ, cụ thể, sinh động, mang đậm màu sắc biểu cảm.
– Tính cá thể: Ngôn ngữ sinh hoạt luôn luôn mang sắc thái riêng của từng chủ thể phát ngôn về các mặt như: tâm lí, lứa tuổi, nghề nghiệp, địa phương vv. Có người nói chậm, có người nói nhanh, có người thích lối nói bóng bẩy, tế nhị, lại có người thích lối nói thẳng tuột. Trong ngôn ngữ sinh hoạt, lời nói chuẩn mực là lời nói tự nhiên, sinh động, truyền cảm và có sức thuyết phục.
– Tính cụ thể: Ngôn ngữ sinh hoạt tránh lối nói cầu kì, trừu tượng, chung chung. Các vấn đề đưa ra thường được trình bày một cách cụ thể, ngắn gọn. Tính cụ thể làm cho ngôn ngữ sinh hoạt trở nên dễ hiểu, những vấn đề nêu ra dù trừu tượng đến mấy cũng được cụ thể hóa bằng những cách nói giản dị, có hình ảnh.
– Tính cảm xúc: Ngôn ngữ sinh hoạt là ngôn ngữ của cá nhân do đó nó mang tính cụ thể, cá thể và sắc thái biểu cảm cao. Lời ăn tiếng nói hàng ngày là phương tiện truyền đạt tư tưởng tình cảm giữa mọi người với nhau nên nó luôn luôn mang sắc thái cảm xúc tự nhiên. Những sắc thái tình cảm này nảy sinh trực tiếp từ những tình huống giao tiếp cụ thể. Yếu tố cảm xúc đã tạo cho lời nói sinh hoạt một vẻ riêng. Vẻ riêng đó chính là tính biểu cảm, là yếu tố vô cùng quan trọng tạo ra hiệu quả trong giao tiếp bằng lời. Trong ngôn ngữ sinh hoạt nhiều khi cảm xúc lại làm nên nội dung thông báo chính. Cũng nhờ tính cảm xúc mà người nói, người nghe hiểu nhau được trong những câu đối thoại đã tỉnh lược đến mức tối đa. Ngôn ngữ sinh hoạt là ngọn nguồn của ngôn ngữ văn hóa và ngôn ngữ nghệ thuật.
III. ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ CỦA PHONG CÁCH SINH HOẠT
1. Về ngữ âm
Tính chất tự nhiên, thoải mái trong phát âm theo một tập quán địa phương là một đặc điểm nổi bật nhất trongquy luật sử dụng ngữ âm ở phong cách này. Ngôn ngữ sinh hoạt chủ yếu tồn tại ở dạng nói nên yếu tố ngữ âm luôn đóng một vai trò quan trọng. Các sắc thái ngữ âm nhiều khi quyết định sự thành công hay thất bại của cuộc giao tiếp. Lời nói hàng ngày luôn gắn với từng cá nhân do vậy giọng điệu trong ngôn ngữ sinh hoạt luôn mang đậm sắc thái địa phương
2. Về từ ngữ
Từ ngữ trong mỗi phong cách được sử dụng như thế nào trước hết phụ thuộc vào đề tài giao tiếp. Tuy nhiên, từ ngữ trong PCSH rất đa dạng và thường mang những đặc điểm riêng như sau:
– Từ ngữ trong ngôn ngữ sinh hoạt luôn mang tính cụ thể, giàu hình ảnh và mang sắc thái biểu cảm cao. Ví dụ: Nóng quá, bồ hôi mẹ, bồ hôi con bò ra khắp người..
– Sử dụng nhiều từ ngữ với nhiều các sắc thái tình cảm khác nhau như: trợ từ, thán từ
và các phụ từ chỉ tình thái.
– Sử dụng từ cổ, từ cũ, từ địa phương, tiếng lóng, từ mới…
– Sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ.
3. Về cú pháp
– Thường dùng những câu có kết cấu tỉnh lược (có trường hợp tỉnh lược một cách tối đa). Đó là do ngữ cảnh đối đáp trực tiếp nên có thể sử dụng rộng rãi hiện tượng này. Đôi khi, người nói còn thế hiện bằng sự im lặng, một sự để trống, bằng một cử chỉ, điệu bộ. Ngữ cảnh đối đáp cho phép người nghe hiểu được nội dung này. Ví dụ:
“Bẩm không ạ, bẩm thật là không say. Con đến xin cụ cho con đi ở tù, mà nếu không được thì… thì… Thưa cụ” (Nam Cao)
– Thường có hiện tượng dư thừa. Ví dụ: “Thì giá anh không há thì đã làm sao? Mà tôi không hiểu anh nghĩ thế nào mà lại há mồm cho nó xem” (NCH) và “Anh cứ vào chơi, em nó đang nấu cơm ở dưới bếp đấy!”.
– Thường dùng những câu cảm thán, câu hỏi, câu nói trực tiếp, câu đưa đẩy phù hợp với từng tình huống nói năng cụ thể. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả trong giao tiếp nên sử dụng câu hỏi nhiều vì đây là loại câu có thể dùng thay thế cho các kiểu câu khác.
4. Về mặt tu từ
Ngôn ngữ sinh hoạt hay dùng các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, hoán dụ cho nên rất dễ hiểu và tạo ra sự thu hút ở người nghe. Tu từ trong ngôn ngữ sinh hoạt thể hiện ở cách gọi tên, cách so sánh cụ thể cảm tính. Ví dụ: Con mẹ Hoạn Thư, Thị Nở, Sở Khanh, Tú Bà…
Các phương tiện trong PCHN không những cần thiết cho nói năng hàng ngày mà còn cần thiết cho sáng tác văn học. Tài năng của các nhà văn cũng được thể hiện qua việc khai thác, sử dụng ngôn ngữ hàng ngày vào tác phẩm. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy được rằng PCHN phải được sử dụng đúng hoàn cảnh giao tiếp thì mới phát huy được sức mạnh của nó.
Bài tập:
Tạo ra một tình huống cụ thể, yêu cầu người học thực hành vận dụng ngôn ngữ SHHN để thực hiện nhiệm vụ giao tiếp.
BÀI 3: PHONG CÁCH NGÔN NGỮ HÀNH CHÍNH
I. KHÁI QUÁT
1. Định nghĩa
Phong cách hành chính là khuôn mẫu thích hợp để xây dựng lớp văn bản trong đó thể hiện vai của người tham gia giao tiếp trong lĩnh vực hành chính. Đó là vai của các nhà lập pháp, người quản lí, người làm đơn, người lập biên bản, người tham gia bộ máy tổ chức, quản lí xã hội.
2. Các dạng của phong cách ngôn ngữ hành chính
Tồn tại chủ yếu ở dạng viết: đơn từ, công văn, biên bản, thông báo. Khi tồn tại ở dạng nói là lúc phổ biến các văn bản hành chính.
3. Kiểu và thể loại văn bản hành chính
– Dựa vào ý nghĩa sự vật lô gíc: văn thư, luật pháp, quân sự, ngoại giao, thương mại, kinh tế.
– Dựa vào đặc điểm kết cấu và tu từ: mệnh lệnh, báo cáo, điều lệnh (thuộc văn bản quân sự); công điện, công hàm, hiệp định, hiệp nghị, hiệp ước, điều ước, nghị định thư… (thuộc văn bản ngoại giao); hiến pháp, sắc lệnh, mệnh lệnh, điều lệ, nghị định, thông tư, quy chế, thông báo… (thuộc văn bản pháp quy); thông báo, thông tư, chỉ thị, nghị quyết, đơn từ, báo cáo, biên bản, giấy khen, hợp đồng, hóa đơn, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, giấy biên nhận (thuộc văn bản văn thư).
II. CHỨC NĂNG NGÔN NGỮ VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA PCHC
1. Chức năng ngôn ngữ
– Chức năng giao tiếp lí trí (chức năng thông báo)
– Chức năng giao tiếp ý chí (chức năng sai khiến)
Ngôn ngữ trong phong cách hành chính vừa có tính thông báo, vừa có tính mệnh lệnh phải thi hành. Tuy vậy hai tính chất trên có vai trò khác nhau trong mỗi văn bản cụ thể.
-
2. Đặc trưnga. Tính chính xác- đơn nghĩa
Tính chính xác được thể hiện trong cách dùng từ, đặt câu; tính minh bạch thể hiện trong kết cấu lô gíc, sự chặt chẽ giữa nội dung và hình thức nhằm đảm bảo cho nội dung nhất quán, rõ ràng và đơn nghĩa. Ngôn ngữ văn bản hành chính chỉ cho phép một cách hiểu duy nhất. Đặc điểm này quy định tính chất tu từ của văn bản hành chính: Ngôn ngữ trung hòa sắc thái biểu cảm, lời văn lạnh lùng và chính xác (khác với phong cách khoa học tuy tính chính xác cao nhưng cách thức trình bày và diễn đạt có thể vẫn mang màu sắc cá nhân). Đây là dấu hiệu của các loại văn bản hành chính.
b. Tính khách quanTính chất này được thể hiện rõ ở cách trình bày. Đây là dấu hiệu chung cho tất cả các loại văn bản hành chính thể hiện tính xác nhận của tài liệu này. (Khác với phong cách ngôn ngữ khoa học ít nhiều vẫn mang dấu ấn của tác giả.). Các loại đơn từ cá nhân không mang danh nghĩa cá nhân, còn chữ kí của người chịu trách nhiệm chỉ khẳng định tính chất xác thực của tài liệu chứ không phải khẳng định tư cách tác giả xét về mặt phong cách ngôn ngữ. Tính nghiêm túc-khách quan còn thể hiện ở cách dùng từ ngữ mang tính chuẩn mực và tính quy định, loại trừ yếu tố cảm xúc, yếu tố cá nhân người viết.
c. Tính khuôn mẫuVăn bản hành chính luôn luôn tuân theo những khuôn mẫu đã được quy định về hình thức trình bày. Tùy thuộc vào từng kiểu loại cụ thể mà nó có những khuôn mẫu có thể được in sẵn. Trong nền hành chính hiện đại, mỗi một cơ quan, tùy theo chức năng và công việc mà người ta có thể soạn thảo các mẫu đơn có sẵn để sử dụng, tránh mất thời gian và sai quy cách. Ví dụ trong trường học cần có các mẫu in sẵn như: giấy mời họp phụ huynh, đơn xin phép nghỉ học, nghỉ dạy, đơn xin trợ cấp, đơn xin chuyển công tác, tờ trình điều chỉnh lương, đơn xin hết tập sự… Tuy nhiên, về mặt này nền hành chính chúng ta chưa đáp ứng được và ý thức về vấn đề quy chuẩn hóa các loại văn bản hành chính, thủ tục hành chính, cách thức tiến hành vẫn còn hết sức hạn chế.
III. ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ
1. Từ ngữ
Phong cách hành chính thường sử dụng những từ và cụm từ có tính chất quán ngữ. Nhờ sử dụng những khuôn mẫu có sẵn mà người thảo văn bản dễ dàng đạt được yêu cầu biểu đạt nội dung một cách chính xác và khách quan và do vậy người tiếp nhận cũng nắm bắt vấn đề một cách nhanh chóng.
Văn bản hành chính thường dùng các từ ngữ gọi tên các cơ quan như: BNN, Sở giáo dục, Bộ y tế, v.v…; tên chức vụ: công tố viên, bị cáo, vv; tên tài liệu: thông cáo, văn bản v.v…; sử dụng các quán ngữ: căn cứ, theo đề nghị của…v.v…; sử dụng nhiều từ Hán-Việt: khởi tố, bị can, lưu hành, truy cứu, vv…
Tóm lại từ ngữ trong phong cách hành chính là từ ngữ văn hóa, mang tính chuẩn mực, cụ thể và trung hòa sắc thái biểu cảm; không sử dụng các từ ngữ gợi hình, gợi cảm dễ xuyên tạc.
2. Cú pháp
Văn bản hành chính thường sử dụng những mẫu câu mang tính rập khuôn, mang sắc thái khách quan, lạnh lùng. Các loại câu cơ bản thường dùng trong phong cách này là:
– Câu tường thuật, câu cầu khiến, câu đơn bình thường với trật tự thuận. Không sử dụng câu hỏi và câu cảm thán.
– Không sử dụng lời nói trực tiếp (trừ văn bản tòa án) và những từ tình thái, những cấu trúc chêm xen có tính chất đưa đẩy.
IV. MỘT SỐ VĂN BẢN HÀNH CHÍNH THÔNG DỤNG
1. Nghị quyết
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ…
Hôm nay, vào lúc… giờ… ngày… tháng… năm…, tại…, [đơn vị] tổ chức Hội nghị…. để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ… vừa qua và thảo luận phương hướng, kế hoạch hoạt động của… mới.
Thành phần tham dự: đại biểu, thành viên tham gia.
Sau một thời gian làm việc tích cực, nghiêm túc, Hội nghị đã nhất trí với những đánh giá trong bản tổng kết (năm cũ), cuối cùng đã đưa ra Quyết nghị với các nội dung sau:
1. Về công tác chính trị tư tưởng
– Tiếp tục phát động phong trào thi đua
– Phát huy vai trò lãnh đạo của… , tăng cường sự đoàn kết toàn… .
– Phấn đấu 100% cán bộ công chức…
2. Về công tác đào tạo
– Triển khai và thực hiện tốt nhiệm vụ…
– Điều chỉnh, hoàn thiện…
– Phát triển phong trào thi đua phấn đấu…
3. Về công tác nghiên cứu khoa học
– Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học.
– Khuyến khích và tạo điều kiện…
4. Về công tác cán bộ
– Có giải pháp tích cực để quy hoạch và tăng cường đội ngũ cán bộ…
– Động viên, khuyến khích cán bộ…
5. Về công tác thi đua
Phát động phong trào thi đua…
6, Về một số chỉ tiêu khác
Hội nghị đã biểu quyết một số chỉ tiêu cụ thể sau:
– Phấn đấu 100% cán bộ công chức đạt danh hiệu xuất sắc.
– 70 % cán bộ công chức đạt danh hiệu lao động tiên tiến.
Hội nghị đã nhất trí thông qua bản quyết nghị với đa số tán thành.
(đoàn chủ tịch cho hội nghị biểu quyết trước khi bản nghị quyết được biểu quyết lần cuối)
Chủ toạ Thư kí
Yêu cầu: Khảo sát sách giao khoa Ngữ văn tương ứng và viết hoàn chỉnh các văn bản hành chính thông dụng (4 vb/ 1 sv); Thực hành tại lớp: Xây dựng các mẫu văn bản trong Trường Đại học và Trường phổ thông tương ứng (Đơn xin học lại; Giấy xin phép nghỉ học; Đơn xin bảo lưu kết quả; Đơn xin dừng học…).
BÀI 4: PHONG CÁCH NGÔN NGỮ KHOA HỌC
I. KHÁI QUÁT
1. Định nghĩa
Phong cách khoa học là khuôn mẫu thích hợp để xây dựng lớp văn bản thể hiện vai của người tham gia giao tiếp trong lĩnh vực khoa học. Đó là vai của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giáo viên, kĩ sư…
2. Các dạng của phong cách ngôn ngữ khoa học
– Dạng viết: Bao gồm các loại sau:
+ Các công trình nghiên cứu khoa học, tạp chí, tập san, báo cáo khoa học.
+ Các hình thức tóm tắt, giới thiệu, lược thuật khoa học…
+ Bài thi, luận văn, đề án tốt nghiệp, bài văn bình giảng…
– Dạng nói: Bao gồm các loại sau:
+ Lời giảng bài, lời thuyết trình trong các hội nghị khoa học…
+ Lời thuyết minh các công trình nghiên cứu khoa học.
+ Lời hỏi đáp về các vấn đề khoa học.
II. CHỨC NĂNG NGÔN NGỮ VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA PCKH
1. Chức năng ngôn ngữ
Ngôn ngữ phong cách khoa học có hai chức năng:
– Chức năng thông báo: là chức năng chủ yếu tạo nên tính khách quan và tính có vấn đề của văn bản khoa học.
– Chức năng giao tiếp lí trí: Giao tiếp lí trí vừa là thông báo vừa là chứng minh tính đúng đắn của vấn đề được trình bày. Chứng minh là đặc trưng khu biệt làm cho phong cách ngôn ngữ khoa học khác với các phong cách ngôn ngữ khác. Dựa vào tính chất thông báo và chứng minh mà người ta xác định được màu sắc phong cách ngôn ngữ khoa học.
2. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học
Phong cách ngôn ngữ khoa học có những đặc trưng cơ bản sau đây:
– Tính trừu tượng – khái quát: Vấn đề khoa học phải thông qua thao tác khái quát, trừu tượng hóa để nhận thức và phản ánh hiện thực khách quan. Nhiệm vụ của người viết văn bản khoa học là phát hiện các qui luật, vấn đề tồn tại trong sự vật hiện tượng nên không thể dừng lại ở cái riêng lẻ, bộ phận mà cần phải thông qua khái quát, thống kê để rút ra vấn đề mang tính chân lí.
– Tính lô gíc nghiêm ngặt: Trong văn bản khoa học, tính thuyết phục cho vấn đề đưa ra nhờ vào cách trình bày, lập luận chặt chẽ theo qui luật của tư duy lô gíc. Tính lô gíc ở đây thể hiện ở chỗ văn bản mang tính nhất quán trong việc phân bố tất cả các đơn vị tương ứng với nội dung hàm chứa. Các vấn đề đưa ra phải cân đối, hợp lô gíc và không gây ra mâu thuẫn. Lô gíc trong khoa học là lô gíc được chứng minh, khác với lô gíc trong nghệ thuật là lô gíc hình tượng.
– Tính chính xác-khách quan: Các vấn đề khoa học luôn luôn yêu cầu phải được phản ánh một cách khách quan và chính xác. Do vậy tính chính xác- khách quan là một thuộc tính hiển nhiên của văn bản khoa học. Trong ngôn ngữ khoa học, tính chính xác thể hiện ở tính đơn nghĩa của từ ngữ trong cách hiểu. Điều này khác với ngôn ngữ nghệ thuật, tính chính xác có nghĩa là trung thành với hình tượng tức là hình tượng phải điển hình.
III. ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ
1. Về từ ngữ
Phong cách ngôn ngữ khoa học thường xuyên dùng các thuật ngữ chuyên môn. Ví dụ: hàm số, mẫu số… trong toán học; điện trở, nhiệt lượng trong vật lí v.v. Các thuật ngữ, các từ chỉ khái niệm thường xuyên được sử dụng tùy theo chuyên ngành khoa học. Để đảm bảo tính chính xác-khách quan, từ ngữ trong văn bản khoa học chỉ được phép một cách hiểu duy nhất: ý nghĩa sự vật lô gíc và trung hòa sắc thái biểu cảm.
2. Về cú pháp
Tính chính xác chi phối cả về mặt cú pháp của văn bản khoa học. Văn bản khoa học thường sử dụng các kiểu kết cấu cú pháp sau đây:
– Sử dụng hình thức câu hoàn chỉnh với kết cấu chặt chẽ, rõ ràng.
– Sử dụng những câu ghép với các cặp từ hô ứng: Vì A nên B; nếu A thì B; để A nên B…
– Sử dụng nhiều phương tiện liên kết câu: như đã nói, Như vậy, Vậy cho nên, Nói tóm lại…
3. Kết cấu một văn bản khoa học:
Hình thức thông thường của một văn bản khoa học thường được trình bày theo kết cấu sau:
CÁC CHÚ Ý KHÁC
1. Cỡ chữ: 13-14 theo phông chữ Unicode
2. Giãn dòng: 29-30 dòng/trang (1,5 line)
3. Lề: trái: 3,5cm, phải: 2cm, trên-dưới: 2,5cm (có thể điều chỉnh cho hợp lí tùy theo tình hình và yêu cầu chung).
4. Tất cả các dấu câu đều đánh sát chữ bên trái, trừ dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép thì dấu mở đánh kề chữ phải, dấu đóng đánh kề chữ trái.
Bài tập: Khảo sát sách Ngữ văn phổ thông về phong cách ngôn ngữ khoa học và lập đề cương cho một đề tài khoa học.
BÀI 6: PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CHÍNH LUẬN
I. KHÁI QUÁT
1. Định nghĩa
Chính luận
hiểu theo nghĩa rộng là dùng lí lẽ, lập luận để chứng minh tính chân thực cho một vấn đề có tính chân lí. Theo cách hiểu này, dựa vào lĩnh vực chính luận, người ta chia chúng thành nghị luận văn học và nghị luận chính trị xã hội (xem thêm sách Ngữ văn 12 nâng cao, trang 22). Hiện nay, một hình thức chính luận đơn giản (trước đây còn gọi là nghị luận) thường được sử dụng trong đời sống giao tiếp bình thường đó là văn bản thuyết minh. Văn bản thuyết minh phân biệt với văn bản nghị luận ở chỗ: văn bản nghị luận thiên về lập luận để thuyết phục người đọc, người nghe tin vào vấn đề được người nói, người viết đưa ra, trong khi văn bản thuyết minh lại thiên về trình bày, giới thiệu, giải thích; Văn bản chính luận thường trình bày những vấn đề quan trọng, văn bản thuyết minh thường trình bày những vấn đề thông thường của cuộc sống. Văn bản thuyết minh thiên về thuyết (trình bày, giải thích), văn bản chính luận thiên về luận (lý lẽ và lập luận).Chính luận theo nghĩa hẹp (sgk lớp11 hiện hành) chỉ những lập luận trong lĩnh vực chính trị xã hội. Ví dụ, luận về các vấn đề như:
– Không có gì quý hơn độc lập, tự do (Hồ Chí Minh)
– Việt Nam và những thách thức mới về độc lập và phát triển
– Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng
– Cái giá độc lập của dân tộc Việt Nam
– Để cứu nước và giải phóng dân tộc, cách mạng vô sản là sự lựa chọn duy nhất của Việt Nam.
– Bản chất khoa học của Chủ nghĩa Mác
– Muôn nẻo cái sự nhầm
Phong cách ngôn ngữ chính luận là khuôn mẫu thích hợp để xây dựng lớp văn bản trong đó thể hiện vai của người tham gia giao tiếp trong lĩnh vực chính trị xã hội. Đó là vai của những nhà lãnh đạo, nhà hoạt động chính trị-xã hội, đảng viên, đoàn viên, cán bộ tuyên giáo v.v.
2. Các dạng của phong cách ngôn ngữ chính luận
-Dạng viết: Lời kêu gọi, tuyên ngôn, báo cáo, bình luận, xã luận…
-Dạng nói: Bài diễn thuyết, bài phát biểu trong mít tinh hay trong lễ đón tiếp ngoại giao, bài phát biểu trong hội nghị…
3. Các loại văn bản chính luận
– Văn bản nghị luận chính trị
– Văn bản nghị luận xã hội
II. CHỨC NĂNG NGÔN NGỮ VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA PHONG CÁCH CHÍNH LUẬN
1. Chức năng ngôn ngữ
– Chức năng giao tiếp lí trí: cung cấp thông tin/ kiến thức mới
– Chức năng thuyết phục (chứng minh và tác động)
Ngôn ngữ trong phong cách chính luận là ngôn ngữ tổng hợp, thuyết phục người nói, người nghe bằng những chứng cứ và lập luận vững chắc được trình bày theo những cách thức riêng mang màu sắc cá nhân. Phong cách ngôn ngữ chính luận cũng sử dụng cả những yếu tố tạo hình để tăng thêm sức hấp dẫn.
2. Đặc trưng của phong cách chính luận
– Tính bình giá công khai: Văn bản chính luận luôn luôn thể hiện rõ nét thái độ của người viết, người nói đối với vấn đề đưa ra tranh luận, thảo luận. Tính bình giá công khai là nét khu biệt của phong cách chính luận so với các phong cách khác. Nó tạo nên tính hùng biện trong cách thức nêu ra và giải quyết vấn đề. Có thể nói tính bình giá công khai là cơ sở để nói rằng văn bản chính luận chính là văn bản báo đạt đến mức điển hình.
– Tính lập luận chặt chẽ: Mục đích của văn bản chính luận là thuyết phục người nghe tin vào lập luận của mình là đúng. Do vậy yêu cầu phải có sự lập luận chặt chẽ trên cơ sở đưa ra được những luận điểm, luận cứ hợp lô gíc và có cơ sở khoa học thỏa đáng. Về điểm này ngôn ngữ chính luận gần với ngôn ngữ khoa học. Ví dụ: Có anh hùng vì có tập thể anh hùng. Có tập thể anh hùng vì có nhân dân anh hùng, Đảng anh hùng (Hồ Chí Minh); Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn. Văn là chính trị: chính trị cứu nước cứu dân, nội trị, ngoại giao,”mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi thẹn nghìn thu” (Bình Ngô Đại Cáo). Võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, “yếu thắng mạnh, ít địch nhiều… thắng hung tàn bằng đại nghĩa” (Bình Ngô Đại Cáo); văn và võ đều là võ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm đao: “viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời” (Lê Quí Đôn), “văn chương mưu lược gắn liền với sự nghiệp kinh bang tế thế” (Phan Huy Chú). Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta! (Phạm Văn Đồng); Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta (Lê Duẩn).
– Tính truyền cảm mạnh mẽ: Văn bản chính luận không những thuyết phục người đọc người nghe bằng lí trí mà còn bằng tình cảm. Chính vì vậy ngôn ngữ chính luận luôn luôn được diễn đạt một cách hùng hồn, sinh động và cảm động, lôi cuốn người nghe từ đầu đến cuối. Ví dụ: Đồng bào Nam Bộ là dân của nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lí đó không bao giờ thay đổi (Hồ Chí Minh); Hỡi đồng bào toàn quốc, chúng ta muốn hòa bình chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào chúng ta phải đứng lên… (Hồ Chủ tịch). …Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột (Hồ Chí Minh – Di chúc).
III. ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ PHONG CÁCH CHÍNH LUẬN
1. Về từ ngữ
Phong cách chính luận thường sử dụng lớp từ ngữ có tính chất thuật ngữ của các ngành khoa học theo từng thể loại văn bản: nghị luận chính trị, kinh tế, văn hóa, văn học v.v. Từ ngữ chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc bộc lộ thái độ của người nói. Qua việc lựa chọn từ ngữ, lập trường quan điểm của người nói, người viết đối với vấn đề nêu ra được thể hiện hết sức rõ ràng. Ví dụ: Hỡi đồng bào toàn quốc, chúng ta muốn… chúng ta đã… Nhưng… Không!…
2. Về cú pháp
Cú pháp của phong cách chính luận mang các đặc điểm sau:
– Có xu hướng đi tìm cách diễn đạt mới nhằm nhấn mạnh vấn đề hay bày tỏ thái độ của người nói, người viết. Ví dụ: Đảng ta là một đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạchà Là một đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch; cái gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, dù là việc nhỏ. Cái gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, dù là việc nhỏ (Hồ Chí Minh).
– Sử dụng những cách đặt câu có tính chất hội thoại tạo cho người đọc cảm giác quen thuộc, dễ hiểu. Ví dụ: Văn là chính trị, là nội trị, là ngoại giao…; Không!… Chúng ta thà hi sinh tất cả…, tôi ngồi trong phòng một mình mà sung sướng đến phát khóc lên…
– Linh hoạt sử dụng các kiểu câu khác nhau: câu đơn, câu ghép, câu cảm thán… Tuy vậy dù dùng kiểu câu nào đi chăng nữa thì vẫn đảm bảo tính trong sáng, cân đối, nhịp nhàng. Ví dụ: lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
3. Các yếu tố tu từ trong phong cách chính luận
Ngôn ngữ chính luận sử dụng các phương tiện và các biện pháp tu từ ở nhiều cấp độ khác nhau. Mức độ sử dụng các yếu tố tu từ chỉ đứng sau ngôn ngữ nghệ thuật. Tuy nhiên việc sử dụng các yếu tố tu từ trong ngôn ngữ chính luận không nhằm mục đích làm cho văn bản chính luận có tính hình tượng như ngôn ngữ nghệ thuật mà chỉ nhằm cụ thể hóa vấn đề nêu ra một cách cụ thể cảm tính. Các yếu tố tu từ thường gặp trong loại văn bản này là cách sử dụng các từ giàu hình ảnh, các phương tiện ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa v.v. Các biện pháp tu từ thường gặp như: lặp cú pháp, đối chọi, câu hỏi tu từ v.v.
Yêu cầu: Khảo sát sách giáo khoa Tiếng Việt phổ thông và lập đề cương cho một văn bản chính luận sau đó viết thành bài hoàn chỉnh; Phân tích cách lập luận của Phạm Văn Đồng về Nguyễn Trãi hoặc một vấn đề tự chọn.
BÀI 7: PHONG CÁCH NGÔN NGỮ BÁO
I. KHÁI QUÁT
1. Định nghĩa
Phong cách ngôn ngữ báo là khuôn mẫu thích hợp để xây dựng lớp văn bản thể hiện vai của người tham gia giao tiếp trong lĩnh vực báo chí. Đó là vai của những nhà báo, người đưa tin, người cổ động, người quảng cáo.
2. Các dạng của phong cách ngôn ngữ báo
– Dạng viết: bài báo, mẩu tin, mẩu quảng cáo…
– Dạng nói: bản tin hàng ngày, quảng cáo, thông tin…
3. Các loại văn bản báo
– Dựa vào ý nghĩa sự vật-lô gíc (tính chất thông tin):
+ Văn bản cung cấp thông tin.
+ Văn bản phản ánh công luận.
+ Văn bản quảng cáo.
– Dựa vào đặc điểm kết cấu tu từ:
+ Tin tức tổng hợp hoặc mẩu tin.
+ Phóng sự điều tra, phỏng vấn.
+ Ý kiến bạn đọc và trả lời bạn đọc.
+ Nhắn tin, thông tin, quảng cáo.
II. CHỨC NĂNG NGÔN NGỮ VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA PHONG CÁCH BÁO
1. Chức năng ngôn ngữ
Ngôn ngữ văn bản báo có hai chức năng:
– Chức năng giao tiếp lí trí: Giao tiếp lí trí được thực hiện thông qua tính thông báo và phản ánh sự việc, sự kiện mang tính thời sự xảy ra trong đời sống.
– Chức năng phát động: Ngoài chức năng giao tiếp lí trí, một chức năng mang tính đặc thù của ngôn ngữ báo đó là động viên, khích lệ người đọc, người nghe thực hiện một nhiệm vụ nào đấy.
2. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ báo
– Tính chiến đấu, thuyết phục, giáo dục: Báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Nó là diễn đàn của quần chúng lao động đấu tranh chống lại những gì phi đạo đức, trái pháp luật, bảo vệ công lí… nhằm làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Chính vì vậy báo chí là diễn đàn công khai của toàn thể nhân dân đấu tranh cho một mục đích cao cả và tốt đẹp đó là xây dựng một xã hội công bằng và văn minh.
– Tính thời sự cập nhật: Báo chí luôn luôn phản ánh những vấn đề hiện tại mang tính bức thiết nhất. Nếu đề cập những vấn đề của quá khứ hay tương lai thì bài báo đó cũng muốn hướng người đọc đi vào giải quyết những vấn đề hiện tại đang được đặt ra một cách khách quan. Ví dụ:
– Tính kích thích hấp dẫn: Phong cách báo đặc biệt chú trọng vào vấn đề lôi cuốn độc giả quan tâm tìm hiểu sự việc. Do vậy từ đầu đề đến cách kết cấu và cách dùng từ ngữ đều mang tính hấp dẫn, gợi trí tò mò và ý muốn tìm hiểu của người nghe, người đọc. Tính kích thích hấp dẫn thể hiện ngay trong cách đặt tên đầu đề các bài báo. Ví dụ: ca dao… cạo, Công ti trách nhiệm… vô hạn!…
– Tính ngắn gọn: do dung lượng tờ báo có giới hạn và do tính chất tức thời, nhanh chóng của người đọc nên bài báo phải đo đếm từng chữ. Những chữ còn bỏ được sẽ không được phép xuất hiện. Trường hợp bài dài phải đăng liên tiếp trong nhiều kì để đảm bảo cho tính phong phú của thông tin trong một tờ báo.
III. ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ
1.Về từ ngữ
Từ ngữ trong ngôn ngữ báo mang các đặc điểm sau đây:
– Phong cách ngôn ngữ báo sử dụng lớp từ ngữ mang đậm màu sắc biểu cảm, gợi hình, gợi cảm, giàu hình ảnh và mang đậm màu sắc tu từ. Ví dụ: Hội chứng Việt Nam, leo thang chiến tranh, chảy máu chất xám v.v.
– Phong cách báo luôn có xu hướng đi tìm cái mới trong cách dùng từ: người viết báo thường dựa vào các từ ngữ, các quán ngữ có sẵn để tạo nên các đơn vị, cách thức diễn đạt mới giàu tính hình ảnh và tính biểu cảm. Ví dụ: kiện tướng à kiện tướng đào đất, kiện tướng bơi lội…ổ gà à ổ voi, đường đủ mọi loại ổ v.v.
– Phong cách báo dùng nhiều từ viết tắt để đảm bảo tính thông tin cao trong một khuôn khổ không gian trình bày nhất định và giúp cho việc tiếp thu được thuận lợi. Ví dụ: ĐCS, CBCNV v.v.
2. Về cú pháp
Trong phong cách ngôn ngữ báo mặt cú pháp của nó có những đặc điểm sau đây:
– Sử dụng nhiều câu khuyết chủ ngữ nhằm làm cho nội dung thể hiện được ngắn gọn, cô đúc và tăng cường sức thuyết phục qua tính khách quan và tính mệnh lệnh của nó. Ví dụ: Cần phải học ăn, học nói, học gói, học mở, Hôm qua, ngày… khai mạc hội nghị các nước nói tiếng Pháp tại…
– Sử dụng câu có thành phần khởi ngữ để nêu bật thông tin. Loại câu này xuất hiện nhiều nhất là ở các đầu đề văn bản. Ví dụ: Nông trường 1/5 đi lên từ hai bàn tay trắng, Nước sạch cho nông thôn: một vấn đề bức xúc, Ixraen, trước tình trạng dã man của bọn khủng bố…
– Sử dụng những câu đơn kèm theo lời trích dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp. Ví dụ: Dưới đầu đề Việt Nam: Một con hổ nhỏ mới? Báo Béclin ra ngày 31/12/91 nhận xét rằng…
Đặc điểm nổi bật của cú pháp phong cách ngôn ngữ báo là việc kết hợp chặt chẽ các hình thức cú pháp mang tính khuôn mẫu với yếu tố diễn cảm được thể hiện dưới những kiểu cú pháp hết sức phong phú và đa dạng.
– Phong cách ngôn ngữ báo sử dụng nhiều phương tiện và biện pháp tu từ nhằm đem lại cho văn bản tính cụ thể, tính gợi cảm và tính hấp dẫn cao.
Cần đặc biệt lưu ý rằng một số truyện ngắn, thơ đăng trên báo nhưng không thuộc phong cách ngôn ngữ báo mặc dù nó nằm trong hệ thống tài liệu đọc nhanh và mang tính thời sự sâu sắc.
Yêu cầu: Khảo sát sách giáo khoa Tiếng Việt phổ thông, viết mẩu tin và lập đề cương cho một bài báo.
BÀI 8: NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT
I. KHÁI NIỆM
1. Ngôn ngữ nghệ thuật
Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu và là một hệ thống tín hiệu đặc biệt. Nói đến tín hiệu là nói đến chức năng chứa đựng và truyền tải thông tin của chúng. Ngôn ngữ phi nghệ thuật chú trọng vào nội dung thông tin mà nó hàm chứa và chuyển tải thông qua tính lô gíc, tính trực tiếp, tính đơn nghĩa và tính tiếp nhận mau chóng để đối tượng giao tiếp dễ dàng nắm bắt và thực hiện các hành vi tương ứng. Do đặc điểm trên chi phối nên ngôn ngữ phi nghệ thuật là loại ngôn ngữ mang thông tin lô gíc và chỉ có một cách hiểu duy nhất cho tất cả các đối tượng tiếp nhận, chúng thực hiện chức năng quan trọng nhất là chức năng thông báo.
Khác với ngôn ngữ phi nghệ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật là một hệ thống tín hiệu hết sức phức tạp và chặt chẽ. Tính phức tạp thể hiện trên hai bình diện: tính đa trị và tính đa phong cách. Ta có thể khám phá ra rất nhiều lớp nghĩa trong những đơn vị (một từ, một câu hay một văn bản) mang thông tin. Trong một tác phẩm văn chương cũng có thể tìm thấy các phong cách ngôn ngữ đan xen nhau một cách hài hòa tạo thành bản hòa tấu không có chi tiết thừa. Với đặc điểm đó đòi hỏi người thưởng thức và tìm hiểu nó phải có một năng lực tổng hợp về các loại tri thức và các thao tác để mổ xẻ và khai thác nó một cách khoa học. Tính chặt chẽ của ngôn ngữ văn chương được thể hiện ở tính hệ thống. Mỗi một tác phẩm là một tổng thể không thể tách rời. Tất cả các yếu tố của hệ thống đều là những dấu hiệu hướng vào sự thể hiện một thông điệp thống nhất. Chức năng quan trọng nhất của ngôn ngữ văn chương là chức năng thẩm mĩ, khác với ngôn ngữ phi nghệ thuật có chức năng quan trọng nhất là chức năng thông báo.
Ngôn ngữ phi nghệ thuật mang tính đơn nghĩa cũng đồng nghĩa với vai trò phản ánh các thuộc tính đơn lẻ của sự vật hiện tượng một cách khách quan. Trong thực tế cuộc sống, mọi sự vật đều tồn tại trong không gian và thời gian trong tư thế không ngừng biến đổi và nó được phản ánh dưới ý thức chủ quan của con người. Ngôn ngữ nghệ thuật là loại ngôn ngữ đa phong cách và đa giá trị, chỉ có nó mới đủ sức phản ánh những thuộc tính vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan của các sự vật hiện tượng trong đời sống chúng ta. Trong khi cố gắng phản ánh những thuộc tính của các sự vật hiện tượng một cách chính xác nhất, ngôn ngữ nghệ thuật trở thành thứ ngôn ngữ mẫu mực đạt đến trình độ phát triển cao. Điều này giải thích vì sao có nhiều ngôn ngữ của nhiều dân tộc không được xếp vào hàng ngũ ngôn ngữ văn học. Thời đại nào cũng vậy, vai trò của các nhà văn trong việc trau dồi ngôn ngữ dân tộc là không thể phủ nhận được. Ngôn ngữ nghệ thuật vì thế xứng đáng giữ vai trò trung tâm của ngôn ngữ dân tộc; sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc luôn luôn gắn với các tên tuổi các nhà văn, nhà thơ lớn.
Khuynh hướng ngôn ngữ Ngôn ngữ nghệ thuật Ngôn ngữ phi nghệ thuật Chức năng Ngôn ngữ
Thẩm mĩ Thông báo Dấu hiệu cấu trúc hình thức Ngữ điệu, hư từ Thực từ Đặc điểm cấu trúc nội dung Đa trị, giàu hình ảnh, có khả năng gợi liên tưởng Đơn trị, trừu tượng hóa, khái quát hóa Ví dụ: Nhớ quá với nhớ ai ra ngẩn vào ngơ; thương lắm với thương thay thân phận đàn bà; thương quá là thương; thương ôi tài sắc bậc này; đến sông Hương uống rượu và say rượu với Sông Hương hoá rượu ta đến uống – Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say… – Nguyễn Trọng Tạo; mau già, già nhanh với tuổi già sầm sập đuổi sau lưng… Tóm lại ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ đa trị. Khi giải mã một văn bản nghệ thuật chúng ta cần thiết phải trả lời 2 câu hỏi: nó nói gì? và cái đó được nói theo cách nào? Giải thích ngôn ngữ nghệ thuật là đi tìm các giá trị của những cấu trúc bao nhau.
Hai phương thức tăng cường năng lực biểu đạt cho ngôn ngữ văn chương thông thường nhất là tạo nghĩa hàm ẩn và vận dụng quan hệ liên tưởng thông qua các phương tiện tu từ để mở rộng phương diện ý nghĩa.
Ngôn ngữ nghệ thuật phản ánh thế giới khách quan bằng hình tượng điển hình. Vì vậy nó là thứ ngôn ngữ được trau chuốt, chọn lựa, sắp xếp… đạt đến một trình độ cao nhất trong nhiệm vụ biểu đạt một nội dung nhất định.
Tóm lại ngôn ngữ ngệ thuật là ngôn ngữ trong các tác phẩm văn chương. Nó là một loại ngôn ngữ phức tạp, mang chức năng chủ yếu là chức năng thông báo thẩm mĩ thông qua sự cảm nhận về hình tượng nghệ thuật được xây dựng bằng chất liệu ngôn từ.
2. Văn học
Theo từ nguyên học, văn là một yếu tố Hán-Việt chính yếu tạo nên ngữ nghĩa cho từ văn chương. Nghĩa của từ văn được hình thành từ thời tiền Tần với khoảng 13 nét nghĩa chủ đạo: đường vân giao nhau, tu sức, điều kiện, tiết tấu, uy nghi, gắng gỏi, thành, động, mĩ-thiện, văn tự, đưa lại cảm hứng, lạc nghệ, văn chương… Khổng Tử coi văn là cái đẹp gắn liền với sự hiểu biết của con người về trí tuệ và đạo lí (văn hóa, lễ nghĩa…). Tóm lại văn được ngày xưa quan niệm là vốn hiểu biết nói chung tạo ra nét đẹp cho phẩm chất con người. Chương là cái tươi sáng. Văn chương là cái tươi sáng, cái đẹp do con người sáng tạo ra. Hiểu một cách khái quát, văn học là khoa học về văn chương. Vấn đề này có 4 quan niệm:
* Văn học là khoa học văn chương được hợp thành từ hai bộ phận, sáng tác văn học và phê bình văn học.
* Văn học là khoa học văn chương được hợp thành từ 3 bộ phận: lịch sử văn học; phê bình văn học; lí luận và phân tích văn học.
* M. Goocki nói: văn học là nhân học (là khoa học về (chất) người – khoa học nhân văn) chất người hay tính người là khái niệm dùng để chỉ những thuộc tính văn hóa có ở con người khi con người hoạt động nhận thức và cải tạo thế giới theo những chuẩn mực của cái đẹp. Khái niệm này mang tính khái quát khi coi văn chương là một ngành nghệ thuật vận dụng tất cả các thành tựu của các khoa học và nghệ thuật khác làm chất liệu cho nó để sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa tinh thần theo tiêu chuẩn của cái đẹp. Khi định nghĩa này được hiểu một cách cực đoan thì văn chương chỉ được chú trọng ở mặt nội dung biểu đạt.
* Lí luận văn học cho rằng văn học là nghệ thuật ngôn từ. Quan niệm này nếu xem ngôn ngữ là một loại tín hiệu có tính hai mặt thì đây là một định nghĩa đi thẳng vào bản chất của văn chương. Nêu lên được nghệ thuật sử dụng ngôn từ coi như chúng ta đang phân tích văn chương, còn trình bày được nội dung biểu đạt của tác phẩm coi như chúng ta mới tiếp cận được ý sơ đẳng nhất mà tác giả của tác phẩm văn chương muốn nói (tính võ đoán của ngôn ngữ thể hiện rõ nét nhất trong ngôn ngữ nghệ thuật). Cách hiểu này cũng dẫn đến tình trạng quá đề cao đến mặt hình thức của văn chương mà không thấy rằng hình thức và nội dung là một cặp phạm trù không tách rời nhau, chúng quy định và tác động qua lại lẫn nhau.