BÀI TẬP & ĐÁP ÁN ĐỌC HIỂU “TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP”
( theo đánh giá năng lực học sinh)
Bài 1:
Người đứng trên đài, lặng phút giây
Trông đàn con đó, vẫy hai tay
Cao cao vầng trán… Ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây!
( Trích Theo chân Bác-Tố Hữu)
Đọc đoạn thơ trên và trả lời các câu hỏi sau:
- Xác định phương thức biểu đạt của đoạn thơ?
- Nội dung chính của đoạn thơ là gì?
- Khi đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, Hồ Chí Minh đã “lặng phút giây”. Anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn lý giải vì sao Bác có cảm xúc đó.
Trả lời:
- Phương thức biểu đạt của đoạn thơ là miêu tả và biểu cảm
- Nội dung chính của đoạn thơ : Nhà thơ Tố Hữu đã viết về giây phút xúc động thiêng liêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”.
- Đoạn văn ngắn thể hiện những ý sau:
- “Tuyên ngôn Độc lập” ra đời là một trong những niềm xúc động, hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Phía sau những lập luận chặt chẽ, sắc sảo, đanh thép, đầy tính đối thoại, xác định giá trị pháp lí của chủ quyền dân tộc là dòng cảm xúc, tình cảm của người viết Tuyên ngôn.
- Những lời tuyên bố trong bản Tuyên ngôn là kết quả bao nhiêu máu đã đổ của các chiến sĩ, đồng bào trong cả nước. Mỗi dòng chữ là chan chứa niềm tự hào dân tộc. Mỗi dòng chữ là một niềm hạnh phúc vô biên khi đất nước đã được độc lập, tự do. Mỗi dòng chữ cũng là những đau đớn, nhức nhối khi nhìn lại bao rên xiết lầm than của nhân dân ta khi bị kẻ thù áp bức, bóc lột.
- Vì vậy, sức thuyết phục của “Tuyên ngôn Độc lập” không chỉ ở hệ thống lập luận sắc sảo mà còn ở tình cảm chan chứa, sâu sắc của tác giả.
Bài 2: Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
Đọc văn bản trên và trả lời các câu hỏi sau:
- Nêu những ý chính của văn bản.
- Xác định biện pháp tu từ và ý nghĩa biện pháp tu từ đó trong văn bản trên.
- Các từ ngữ: nổi dậy giành chính quyền lập nên nước, lấy lại nước có hiệu quả nghệ thuật như thế nào?
Trả lời:
- Ý chính của văn bản: Hồ Chí Minh đưa ra hai “sự thật” lịch sử để khẳng định nước ta là thuộc địa của Nhật từ năm 1940, đồng thời dân ta đã lấy lại nước từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp.
- Biện pháp tu từ trong văn bản là phép điệp cú pháp “Sự thật là…” hai lần. Ý nghĩa: Nhấn mạnh 2 sự thật lịch sử nhắm bác bỏ luận điệu xảo quyệt của bọn thực dân .Vào thời gian nước ta tuyên bố độc lập, nhà cầm quyền Pháp đã tuyên bố: Đông Dương là thuộc địa của Pháp, bị quân Nhật chiếm, nay Nhật đã đầu hàng, vậy Đông Dương đương nhiên phải thuộc quyền “bảo hộ”của người Pháp.
- Các từ ngữ: nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước, lấy lại nước có hiệu quả nghệ thuật : Ca ngợi nhân dân ta anh hùng. Hàng loạt động từ mạnh, liên tiếp diễn tả sức mạnh như vũ bão của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu để giành lại độc lập, tự do.
Bài 3. Hỡi đồng bào cả nước!
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Đọc văn bản trên và trả lời các câu hỏi sau:
- Nêu những ý chính của văn bản.
- Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. Việc dùng từ “Suy rộng ra” có ý nghĩa như thế nào?
- Nêu ý nghĩa của đoạn trích văn bản trên.
Trả lời:
1/ Nội dung chính phần mở đầu của bản “Tuyên ngôn Độc lập”: trích dẫn bản “Tuyên ngôn độc lập”của người Mỹ ( 1776), nói về quyền tự do, bình đẳng của “mọi người”. Suy rộng ra từ quyền tự do, bình đẳng của “mọi người” thành quyền tự do, bình đẳng của “tất cả các dân tộc trên thế giới”. Trích dẫn bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của cách mạng Pháp (1791) , nói về quyền tự do, bình đẳng của con người. Khẳng định “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
2/ Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận. Việc dùng từ “Suy rộng ra” có ý nghĩa: Từ quyền bình đẳng, tự do của con người, Hồ Chí Minh suy rộng ra về quyền đẳng, tự do của các dân tộc. Đây là một đóng góp riêng của Người vào lịch sử tư tưởng nhân loại.
3/ Ý nghĩa: Trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mĩ, Pháp nhằm đề cao giá trị tư tưởng nhân đạo và văn minh nhân loại, tạo tiền đề cho những lập luận tiếp theo.