LUYỆN TẬP KĨ NĂNG LÀM VĂN

 Cách mở bài dạng bài so sánh văn học

  1. Các cách mở bài

Có 2 cách làm mở bài cơ bản:

  1. Mở bài trực tiếp: đi thẳng vào vấn đề cần nghị luận, không câu nệ câu chữ, ý tưởng.

Ưu điểm: thường nêu ra được vấn đề một cách trực tiếp nhất và rõ ràng nhất.

Hạn chế: không có cảm xúc, ít khi có được sự mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, khơi gợi mà một mở bài cần có và nên có. Mở bài như một lời chào đầu nếu không hấp dẫn người đọc thì sẽ không có hứng khởi để đọc tiếp phần tiếp theo.

  1. Mở bài gián tiếp: bắt đầu từ một khía cạnh liên quan đến vấn đề cần nghị luận. Từ đó người viết dẫn dắt một cách khéo léo và có liên kết đến vấn đề chính mà đề bài yêu cầu.

Có 4 cách mở bài theo lối gián tiếp: Diễn dịch, quy nạp, tương liên, đối lập.

Diễn dịch: Nêu những ý kiến khái quát hơn vấn đề đặt ra trong đề bài rồi mới bắt đầu vào vấn đề ấy.

Quy nạp: Nêu những ý nhỏ hơn vấn đề đặt ra trong đề bài rồi mới tổng hợp lại vấn đề cần nghị luận

Tương liên: Nêu lên một ý giống như ý trong đề rồi bắt sang vấn đề cần nghị luận. Ý được nêu ra có thể là một câu tục ngữ, ca dao, danh ngôn, một nhận định hoặc chân lí phổ biến…

Đối lập: Nêu những ý trái ngược với ý trong đề bài rồi lấy đó làm cớ chuyển sang vấn đề cần nghị luận

  1. Nguyên tắc làm mở bài
  • Cần nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài: nếu đề bài yêu cầu giải thích, chứng minh, phân tích hay bình luận một ý kiến thì phải dẫn lại nguyên văn ý kiến đó trong phần mở bài.
  • Chỉ được phép nêu những ý khái quát, tuyệt đối không lấn sang phần thân bài, giảng giải minh họa hay nhận xét ý kiến trong phần thân bài.
  • Để không tốn thời gian cho cách phần mở bài trong các kì thi, cần chuẩn bị sẵn một số hướng mở bài cho từng dạng đề
  1. Bài tập ứng dụng

Ví dụ 1:  so sánh 2 nhân vật

đề bài Vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài và người vợ nhặt

Ai đó đã từng nói “ Tác phẩm nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”. Phải chăng vì vậy mà ta có thể bắt gặp nhiều nghệ sĩ có phong cách hoàn toàn khác nhau trên cùng một giao lộ của hành trình kiếm tìm và khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người. Kim Lân với truyện ngắn “Vợ nhặt” và Nguyễn Minh Châu với tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trường hợp như vậy. Nếu như với khả năng viết rất hay về nông thôn và cuộc sống của người dân quê, Kim Lân xây dựng thành công nhân vật người vợ nhặt qua tình huống truyện độc đáo thì với phong cách truyện đậm chất tự sự-triết lí, Nguyễn Minh Châu đã khám phá ra những nghịch lí trong cuộc sống của người đàn bà hang chài. Qua cả hai tác phẩm, các tác giả đều cho ta thấy được vẻ đẹp khuất lấp của người phụ nữ Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn.

Giới thiệu 2 nhà văn, 2 tác phẩm:
Kim Lân là cây bút truyện ngắn chuyên viết về nông thôn và người nông dân. Truyện ngắn Vợ nhặt là 1 tác phẩm xuất sắc của Kim Lân viết về tình huống nhặt vợ độc đáo, thể hiện 1 niềm tin mãnh liệt về phẩm chất tốt đẹp của người lao động trong nạn đói.
Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu cho văn học chống Mỹ cứu nước, là cây bút tiên phong trong thời kỳ đổi mới.
Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu ở thời kỳ sau 1975, phản ánh tình huống nhận thức của người nghệ sĩ trước cuộc sống đầy nghịch lý của gia đình người hàng chài từ đó thể hiện những trăn trở âu lo về trách nhiệm của người nghệ sĩ. 
Hai nhân vật người phụ nữ của hai tác phẩm này đều có một nét chung đó là những vẻ đẹp tiềm tàng, khuất lấp về tính cách, tâm hồn, cùng thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của hai nhà văn.

Ví dụ 2:
Đại thi hào Nga M. Goocki cho rằng “ Văn học là nhân học” Còn Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc của chúng ta quan niệm: “ một tác phẩm văn học có giá trị phải vượt lên mọi bờ cõi và giới hạn ca ngợi tình thương bác ái, sự công bình… làm cho người gần người hơn do tác phẩm văn học là sản phẩm tinh thần của con người do con người tạo ra để phục vụ con người. Vì thế nhà văn chân chính đồng thời phải là nhà nhân đạt “ từ trong cốt tủy”. Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là những tác phẩm thành công với tinh thần vì con người, đặc biệt là người phụ nữ.

Tô Hoài là cây bút văn xuôi tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Vợ chồng A Phủ in trong “ truyên Tây Bắc” là kết quả của chuyến đi Tô Hoài cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc 1952. Tác phẩm viết về cuộc sống tăm tối và khát vọng sống mãnh liệt của người dân miền núi dưới ách thống trị của thực dân phong kiến .

 Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu thời chống Mĩ cũng là cây bút tiên phong thời kì đổi mới. Nếu ở giai đoạn kháng chiến chống Mĩ sáng tác của ông mang cảm hứng sử thi. Lãng mạn thì từ những năm 80 của thế kỉ XX, ông chuyển dần sang cảm hứng triết luận về những giá trị nhân bản đời thường. Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Minh Châu ở thời kì sau, viết về một lần giáp mặt của một người nghệ sĩ với đầy nghịch lý của một gia đình làng chài qua đó thể hiện nỗi lòng xót thương nỗi âu lo với người và những trăn trở

Vợ chồng A Phủ và Chiếc thuyền ngoài xa, Tô Hoài và Nguyễn Minh Châu những tác phẩm khác nhau về đề tài, về phong cách nghệ thuật xuất hiện trên văn đàn cách nhau tới 30 năm có lẽ, song đã gặp nhau trong mối quan tâm về người, đặc biệt là thân phận người phụ nữ.

Ví dụ 3:

Phân tích nhân vật A sử trong “vợ chồng A Phủ” và lão đàn ông làng chài trong “chiếc thuyền ngoài xa”

Phê phán cái ác cái xấu là mối quan tâm hàng đầu của nhà văn chân chính”. Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua việc tìm hiểu nhân vật A Sử trong Vợ chồng A Phủ và lão đàn ông làng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa.

1. Mở bài

Trong truyện Nguyễn Du viết: “ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nỗi niềm ấy đâu phải chỉ riêng Nguyễn Du, đâu chỉ riêng Truyện Kiều mà là mối quan tâm thường trực của những người nghệ sĩ chân chính của những tác phẩm văn chương chân chính. Bởi văn học sẽ không là cái gì cả nếu như nó không vì con người. Người nghệ sĩ đích thực bao giờ cũng là nhà nhân đạo từ trong cốt truyện. Họ mang mối quan tâm thường trực vì người cho nên họ xem việc lên án cái xấu cái ác là nghĩa vụ của người cầm bút. Tô Hoài với Vợ chồng A Phủ, Nguyễn Minh Châu với Chiếc thuyền ngoài xa đã đạt tới điều đó

2. Thân bài

Văn chương chân chính là văn chương vì người, phục vụ người, văn chương ấy: “ra đời trong những buồn vui của loài người và sẽ ở lại với loài người cho đến ngày tận thế” Nói như Hoài Thanh trong thi nhân Việt Nam. Văn chương ấy phải mang giá trị nhân đạo sâu sắc bởi nhà văn cũng chính là nhà nhân đạo. Những cây bút chân chính bao giờ cũng sáng tác dưới ánh sáng của tình cảm nhân đạo ấy. Thạch Lam từng giãi bày: “Đối với tôi, văn chương không phải là mang đến sự thoát ly hay sự quên. Nó là thứ khí giới thanh cao và đắc lực để tố cáo một xã hội giả dối và tàn ác làm cho lòng người thêm xanh sạch”. Còn Nam Cao lại đưa ra quan điểm một tác phẩm văn học có giá trị: “phải vượt lên mọi bờ cõi và giới hạn, nó ca ngợi tình thương, bác ái, sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn”

Bên cạnh việc phát hiện khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người, văn chương cần phải chỉ ra, lên án cái ác, cái xấu. Bởi vì trong sự muôn mặt của đời sống cái ác cái xấu là điều mà dẫu chúng ta không thích nó vẫn luôn tồn tại.

Hành trình rộng dài của văn học cũng chính là hành trình miệt mài của người nghệ sĩ đấu tranh với cái xấu cái ác. Tô Hoài với Vợ chồng A Phủ, Nguyễn Minh Châu với Chiếc thuyền ngoài xa là những nhà văn chân chính đã nói lên tiếng nhân đạo của mình trong việc lên án cái ác cái xấu qua những hình tượng nghệ thuật sống động: A Sử và lão đàn ông.

Ví dụ 4:

So sánh gương mặt đất nước trong hai bài thơ cùng mang tên Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm.

Đất nước luôn luôn là hành trang tinh thần trên bước đường đi tới của thế hệ trẻ, và hai bài thơ sẽ khơi dậy trong họ tình yêu Tổ quốc và những dự định tốt đẹp để góp phần dựng xây Đất nước. Hai bài thơ đã đem đến cho họ hai gương mặt đẹp về Tố quốc: Đất nước của Nguyễn Đình Thi mang nhiều sắc thái hiện đại, còn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm lại đậm đà phong vị dân gian. Vì thế cả hai gương mặt này gộp lại, có thể làm cho thế hệ trẻ cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn hơn mà cũng phong phú, sâu sắc hơn về Tổ quốc.

Ví dụ 5:

So sánh Nỗi nhớ trong thơ Quang Dũng, Tố Hữu và Xuân Quỳnh

Ta bắt gặp một nỗi nhớ  “bổi hổi bồi hồi” trong ca dao xưa, một nỗi nhớ “chín nhớ mười mong”  trong thơ Nguyễn Bính. Đến với thơ Xuân Diệu ta lại cảm nhận được nỗi nhớ tha thiết trong “ Tương tư chiều”:

“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.

   Anh nhớ em. Anh nhớ lắm! Em ơi!”

Quả thật, theo dòng chảy của văn học Việt Nam, nỗi nhớ luôn được các nhà thơ cảm nhận và thể hiện vô cùng phong phú, sinh động và hấp dẫn. Nhớ về đoàn quân Tây Tiến cùng núi rừng Tây Bắc, Quang Dũng đã có cách thể hiện rất đặc sắc:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi,”

(Trích “Tây Tiến”, Quang Dũng)

Còn đây là nỗi nhớ trong thơ Tố Hữu:

“Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”

(Trích “Việt Bắc”, Tố Hữu)

Khác với hai nam thi sĩ trên, Xuân Quỳnh, một nữ sĩ trẻ tuổi lại có những cảm nhận về nỗi nhớ rất nữ tính và độc đáo:

“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

(Trích “Sóng”, Xuân Quỳnh)

          Mỗi người một cá tính, một thời đại thế nên cùng viết về nỗi nhớ ấy nhưng ta vẫn thấy được sự khác biệt, nét cá tính mà mỗi nghệ sĩ đã thổi vào từng câu thơ.

Ví dụ 6:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

(Tây Tiến – Quang Dũng)

“Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Macxim Gorki từng khẳng định “ Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng của mình, tìm thấy những ấn tượng có các giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng ấy có hình thức riêng”. Có thể nói, một người nghệ sĩ chân chính và có tài năng thật sự phải biết nhìn cuộc sống bằng con mắt của chính mình, bằng một cảm quan riêng để tạo ra được tiếng nói riêng, phong cách riêng. Đúng như Lê Đạt từng viết trong bài thơ “Vân Chữ”

Mỗi công dân đều có một dạng vân tay

   Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ

   Không trộn lẫn

Tố Hữu và Quang Dũng là những người nghệ sĩ thứ thiệt với mỗi “dạng vân chữ” độc tồn, “không trộn lẫn” của riêng mình.

Ví dụ 8: mở bài 2 ý kiến

Với Sông Đà Nguyễn Tuân đã để thơ vào sông núi Tây Bắc. Từ Vang bóng một thời đến Sông Đà, một hành trình 20 năm có lẻ, cụ Nguyễn đã “xê địch’’ để đi tìm thứ “vàng mười” còn tiềm ẩn trong lòng người đó đây.. ta bắt gặp một Sông Đà như một sinh thể có linh hồn, có tâm trạng phức tạp để từ đó nhà văn nâng người lái đò Sông Đà lên bậc nghệ sĩ tài hoa, anh hùng trên sông nước . Nhưng bao trùm lên tất thảy vẫn là văn phong độc đáo và một tình yêu tha thiết với thiên nhiên đất nước và sự tôn kính công sức lao động của con người .

Ví dụ 8:  Khi trao đổi về nghệ thuật truyện ngắn “Vợ nhặt”, Kim Lân đã nói với nhà nghiên cứu – phê bình Văn học Hà Minh Đức: “Tôi quan niệm: truyện ngắn cũng là tiểu thuyết và điều quan trọng  là nhân vật. Nhân vật phải có tính cách và phải hành động theo tính cách nhân vật một cách tự nhiên, không giả tạo, sáo rỗng”. Mỗi nhân vật trong truyện được Kim Lân dựng mỗi cách khác nhau, dù thiên về tính cách hay nội tâm đều rất chân thực, sống động. Dung lượng viết về nhân vật “thị” – người đàn bà không tên – vợ Tràng, không nhiều nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *