CÁI CHẾT CỦA CHÍ PHÈO TRONG TRUYỆN NGẮN CÙNG TÊN CỦA NAM CAO

Bài làm

     Sinh ra trên đời, có ai không mong muốn mình được hưởng cuộc sống hạnh phúc? Có những người ước ao giàu sang, nhưng cũng có những người chỉ mơ ước về một cuộc sống bình dị, êm ấm bên người thân của họ. Thế nhưng cuộc sống chẳng bao giờ bằng phẳng, nó cứ bấp bênh, gập ghềnh và chẳng cho ai tất cả những ước mơ. Viết về những người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945, Nam Cao không chỉ ghi lại một cách chân thực những mơ ước đời người mà còn gợi thêm cho bạn đọc những ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Vốn là một con người hiền lành, thiện lương nhưng những biến cố cuộc đời đã đẩy Chí Phèo đến bờ vực của cái ác. Hắn vốn dĩ không có sự lựa chọn cho bản thân, không được phép trở về cái vẻ “hiền như đất” nếu muốn sinh tồn. Mong ước một cuộc sống bình dị “chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải,…” mà cuối cùng phải chết một cách nghiệt ngã, kiệt tác “Chí Phèo” đã để lại những dấu ấn khó phai nhất.

Chỉ mong được trở về với sự thiện lương mà bản thân vốn ước ao nhưng không được xã hội cho phép, Chí Phèo trở nên tuyệt vọng. Hắn uống rượu, uống để cho say, thế mà đầu óc hắn vẫn cứ tỉnh. Chẳng hiểu vì sự căm phẫn đến tột độ át đi men rượu hay do những lời cay độc mà thị đã lỡ buông? Có lẽ vì cả hai, và chính thế nên Chí Phèo càng chẳng thiết sống. Hắn cầm dao với ý định giết thị, thế nhưng những bước chân loạng choạng lại dẫn hắn đến nhà Bá Kiến. Tôi cứ luôn ngẫm mãi về chi tiết này, phải chăng đó không chỉ là vì say, mà còn vì ông trời vốn căm ghét những điều tàn nhẫn nên đã dìu hắn những bước chân ấy. Thị không đáng chết, bà cô của thị cũng chẳng đáng chết, họ cũng chỉ vì không chấp nhận được con người hiện tại của Chí Phèo mà dòng đời đã đưa đẩy hắn.

 

“Tao muốn làm người lương thiện!” – Chí Phèo căm phẫn mà nói ra câu ấy, rồi hắn lại hỏi một câu đầy uất ức “Nhưng ai cho tao lương thiện?”. Hắn không còn đường để lui, không thể quay đầu được nữa. Hắn đã bị xã hội xua đuổi! Hắn nghĩ, hắn càng hận. Hắn hận kẻ đã đẩy hắn vào tù oan như Bá Kiến và mụ vợ của hắn, để rồi hắn vì thế mà đổi thay. Chính họ – những con người đại diện cho những sự tàn ác đã khiến Chí Phèo vốn hiền lành trở nên điên loạn và ác ôn.

Và rồi hắn, Bá Kiến đều chết. Những cái chết tưởng chừng do men rượu nhưng thực chất là vì những gì chính họ đã tạo nên. Chí Phèo giết Bá Kiến, ấy là một cách đòi lại sự công bằng cho hắn. Hắn biết đứng lên để đòi lại những khổ đau mà tên khốn nạn ấy đã gây ra cho hắn, nhưng đồng thời hắn cũng rõ rằng bản thân đã chẳng thể quay đầu. Giờ đây không ai chấp nhận được hắn nữa, không ai còn đủ vị tha mà ban cho hắn một chút niềm tin. Tất cả chính là tại lũ cường hào tàn nhẫn. Và hắn phải chết!

Bá Kiến chết, rồi con hắn sẽ lên thay, đó là quy luật mà thời đó ai cũng hiểu. Nam Cao không để tất cả những kẻ xấu đều chết, vì trong lòng ông hiểu rằng chẳng có thế lực nào lúc bấy giờ có thể xóa đi toàn bộ những con người như thế. Phải chăng cần thêm những Chí Phèo? Không! Nếu vậy sẽ loạn mất! Ông chờ ai đó có thể cho ông niềm tin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *