THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI TRONG BÀI THƠ “TRÀNG GIANG” – HUY CẬN

Trước Cách mạng, thơ Huy Cận luôn đậm một nỗi buồn. Có những trang man mác nỗi cô đơn, cũng có những bài in sâu vào lòng bạn đọc với nỗi buồn đến khôn nguôi. Đọc thơ Huy Cận, thứ mà ta nhìn thấy đâu chỉ là những bức chân dung tiêu điều của thiên nhiên mà đó còn là những dòng tâm sự đầy muộn phiền của nhà thơ. Ta thấy được điều đó qua bài thơ tiêu biểu của ông – Tràng giang.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

Gió chiều thu nhẹ thổi, mặt sông Hồng đầy những con sóng nhỏ lăn tăn. Con sóng buồn của quê hương, con sóng da diết những nỗi nhớ của người con xa quê đang trong dòng cảm xúc dạt dào. Một con thuyền xuôi theo dòng nước, chậm rãi, nhẹ nhàng, âm thầm và lặng lẽ. Những con sóng nhỏ bé đẩy nhẹ thuyền đi, cứ im lặng như đang chìm trong một nỗi buồn không tên. Cành khô nơi mặt nước theo gió mà đi, chẳng hay biết đến mình sẽ đi đâu. Cành khô bơ vơ, lạc lối giữa dòng đời. Nhuốm một màu sắc buồn đến thê lương, cảnh sông Hồng gợi cho nhà thơ những suy nghĩ về cuộc đời và số phận con người. “Một cành khô” nhưng “lạc mấy dòng”, ấy chính là những con đường tối tăm mà kiếp người phải đi. Đi rồi lạc giữa bao ngã rẽ, lòng người lại càng buồn, càng nhớ quê. Từ “điệp điệp”, “song song” kết hợp với chữ “sầu” đã vẽ ra một bức tranh thiên nhiên buồn miên man, lại khiến lòng Huy Cận đắm chìm trong nỗi nhớ nhà.

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”

Bức tranh thiên nhiên lại hiện ra trong con mắt của cái “tôi” trữ tình. Những bãi bồi nhỏ thưa thớt bên bờ sông Hồng trong gió chiều nhìn đến quạnh hiu. Nơi xa xa, chợ chiều đã vãn khách, chẳng còn mấy bóng người qua lại nơi bãi bồi quê hương. Cảnh vật hiện lên trong tầm mắt Huy Cận như một thứ gì đó mơ hồ không rõ. Nắng tắt dần trong bóng chiều để lại một khoảng trời đỏ rực mênh mang, lòng người lại càng sầu muộn. Từ láy “chót vót” được đặt cuối câu thơ như càng tô đậm vẻ hoang sơ của thiên nhiên, gợi cho con người biết bao tâm sự. “Sông dài, trời rộng” chính là một khoảng không gian mênh mông đến rợn ngợp, mà nơi đó bến đò chẳng còn bóng một ai. Bến buồn trong cô đơn, con người buồn trong nỗi nhớ nhà.

“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật.,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”

 

Những cánh bèo trên mặt nước lững lờ trôi, vô định. Trên cả con sông rộng chẳng thấy bóng một con đò chở khách qua sông. “Bèo dạt về đâu” như một câu hỏi mà còn dang dở. Có lẽ chính những cánh bèo xanh kia cũng chẳng biết được chúng sẽ đi tới phương nào. Chúng chỉ biết trôi theo dòng nước, không thể làm gì hơn. Lòng Huy Cận theo đó càng buồn. Khi con người buồn thì sẽ khao khát tìm đến một nơi mà mình thân quen, gần gũi. Thế nhưng cảnh vật trước mắt hiện lên như dập tắt những ý nghĩ trong lòng người, để rồi sự cô độc lan rộng dần vào nội tâm tác giả. Trên những bãi đất ven sông, cỏ xanh um tùm mọc nhưng dường như không có hồn, dài đến miên man, vô tận.

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Khi hoàng hôn buông xuống, nơi dãy núi phía xa bị mây trắng che phủ từng lớp, từng lớp. Một cánh chim nhỏ nghiêng nghiêng nơi bầu trời cao rộng trong nắng chiều, buồn rười rượi. Ta bắt gặp bức tranh này trong thơ xưa, và cũng đậm một nỗi sầu bi. Bóng chiều như đổ xuống nơi cánh chim bé nhỏ, khiến chim không tìm được lối về nơi tổ ấm, như giông tố kéo đến trong cuộc đời con người. Từ “dợn dợn” như được tác giả dùng để nói lên tiếng lòng mình khi sóng nước – sóng đời cứ dâng cao. Càng nhìn dòng sông Hồng dài và rộng đến miên man, Huy Cận càng nhớ quê hương nhiều hơn. Nỗi lòng người con xa quê, một mình nơi đất khách quê người thật buồn, buồn đến khôn nguôi. Chẳng bóng hình người mẹ thân thương, chẳng làn khói cơm chiều nhưng trong lòng người có quê hương vẫn đầy nhung nhớ. Ta ngẫm về câu:

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Bức tranh thiên nhiên và tâm trạng con người trong bài thơ “Tràng giang” đầy những nỗi buồn. Thiên nhiên bao la, rộng lớn nhưng con người nhỏ bé, đơn côi khiến lòng người đọc cũng man mác buồn theo. Lòng một đứa con đi học xa nhà khi đọc thơ lại càng sầu muộn: phải chi thời gian trôi nhanh hơn để được về nơi mái ấm quê hương.

Từ khóa: thiên nhiên và con người trong bài thơ Trang giang, phân tích thiên nhiên và con người, thiên nhiên và con người Trang Giang Huy Cận, Cảnh thiên nhiên trong bài thơ Tràng Giang Huy cận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *