Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường.
- DÀN Ý:
- Mở bài:
“Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường”- câu nói ấy cứ hiện lên trong tâm trí và nó trở thành một triết lí sống, một kim chỉ nan để dẫn lối cho tôi vượt qua tất cả những chông gai dũng cảm cũng như đối mặt với mọi thách thức trong cuộc sống.
2.Thân bài:
- a) Giải thích:
– Triết lí sống là những quan niệm sống chi phối cách nhìn nhận của mỗi người.
– “Ý chí”: chính là nghị lực, là lòng quyết tâm của chúng ta để thực hiện thành công một điều gì đó. Ý chí được thể hiện bằng hành động và suy nghĩ có định hướng của con người vì thế người có ý chí là người theo đuổi để đạt được mục đích đã định trước và cố gắng vượt qua các trở ngại đó.
– “Con đường”: ở đây được hiểu là con đường của thành công, hạnh phúc.
– Ý nghĩa:
+Ý chí giúp ta có niềm tin để nhìn thấy hướng đi và tương lai, tìm ra con đường phía trước.
+Ý chí giúp ta có được sự thành công, thành đạt trong sự nghiệp, tự mình thay đổi số phận.
- b) Bàn luận:
– Không có sự vinh quang nào đến với bạn nếu không có sự phấn đấu gian khổ của bản thân. Ý chí chính là động lực quan trọng để tiếp thêm sức mạnh cho bạn vượt qua tất cả những chông gai ấy.
– Biểu hiện của những người thiếu ý chí: buông xuôi khi gặp thất bại, mất niềm tin. Đó là những kẻ yếu đuối hèn nhát.
– Những người có ý chí, dũng cảm đối mặt với khó khăn sẽ thành công.
– Mở rộng vấn đề:
+Ý chí giúp ta có thêm kinh nghiệm đứng lên sau mỗi lần vấp ngã.
+Ý chí có thể nói là cánh cửa duy nhất để tiến đến con đường của sự thành công và hạnh phúc
– Dẫn chứng:
+ Bác sĩ Glenn Cunningham người chạy nhanh nhất thế giới trong cự li một dặm được mệnh danh là “cánh én”, “con ngựa sắt” .
+ Nhà sản xuất phim hoạt hình lơn nhất thế giới Walt Disney. Nhờ vào ý chí và niềm tin họ đã có được những thành công rực rỡ, đem lại niềm tự hào cho gia đình và đất nước.
- c) Bài học nhận thức: Mỗi chúng ta cần phải củng cố niềm tin, tin tưởng vào bản thân mình, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn tiến về phía trước để có thể hoàn thành tốt mọi công việc và thành công trong cuộc sống.
- Kết bài:
Xác định mục đích sống rõ ràng và hãy là chình mình trong mọi hoàn cảnh. Nỗ lực hết sức quyết tâm cao độ và không được chùn bước dù gặp bất cứ khó khan, luôn ước mơ và có khát vọng vì ý chí chính là chiếc chìa khoá vạn năng để mở mọi cánh cửa trong cuộc sống.
- BÀI LÀM:
Trong cuộc sống, thành công hay thất bại chỉ cách nhau gang tất. Nó tùy thuộc vào con đường bạn đã đi qua. Để đến được đỉnh của vinh quang bạn phải đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt. Thất bại chỉ là phép thử để bạn tìm ra điều mình muốn. Ý chí chính là liều thuốc quan trọng giúp con người có thêm nghị lực và niềm tin để vượt qua tất cả những rào cản để biến những điều không thể thành có thể, làm nên điều kì diệu. “Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường”- câu nói ấy cứ hiện lên trong tâm trí và nó trở thành một triết lí sống, một kim chỉ nan để dẫn lối cho tôi vượt qua tất cả những chông gai dũng cảm cũng như đối mặt với mọi thách thức trong cuộc sống.
Triết lí sống là những quan niệm sống, quan niệm về cuộc đời chi phối cách nhìn nhận của từng người. Nó có thể giúp chúng ta đi đúng hướng nhưng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến thất bại hay những sai lầm to lớn. Vì vậy mỗi người cần lựa chọn chính xác triết lí sống đúng đắn phù hợp với bản thân. “Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường”- Con đường mang ý nghĩa tượng trưng cho những thành công và hạnh phúc mà mỗi người vươn đến trong cuộc đời. Có ý chí mới có con đường bởi không có sự vinh quang nào đến với chúng ta nếu không có sự phấn đấu, hi sinh, nỗ lực của bản thân. Cuộc đời không bao giờ đóng cửa với bất kì ai có ý chí và nỗ lực. Vì khi một cánh cửa khác đóng lại thì cũng sẽ có một cách cửa khác mở ra và nơi đó sẽ có con đường dành riêng cho bạn. Ý chí giúp ta có thêm niềm tin để nhìn thấy hướng đi nhìn thấy tương lai, tìm ra con đường phía trước. Nó giúp ta có được sự thành công, thành đạt trong sự nghiệp và trong cuộc sống, tự mình thay đổi số phận.
Lỗ Tấn, một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc đã nói rằng: “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Con đường để chạm tới được thành công không hề dễ dàng và nó cũng lắm chông gai, thách thức. Một kẻ lười biếng chỉ muốn “há miệng chờ sung”, ỉ lại vào người khác thì chẳng mấy chốc trở thành một người vô dụng và là gánh nặng của xã hội. Nhưng với một người có ý chí kiên định, sự quyết tâm không gì lay chuyển được thì mọi khó khăn thử thách đều có thể vượt qua. Có thể nói ý chí chính là động lực quan trọng tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để cuốn văng đi mọi khó khăn đang đợi ta ở phía trước. Khi thất bại con người thường bị nỗi đau khổ, tuyệt vọng che lấn áp cả tâm hồn. Dường như ai trong chúng ta đều từng bị rơi vào cái hố sâu không đáy, không có cách nào tìm được hướng đi đúng của bản thân. Những câu hỏi cứ luôn được đặt ra chúng ta nghĩ đến quá khứ và cảm thấy sợ hãi có thể mình cũng sẽ lại thất bại chăng. Ý chí giảm sút, tinh thần suy sụp và con người lại rơi vào tình trạng bế tắc. Tôi thiết nghĩa ai trong chúng ta cũng đã trải qua tâm trạng như vậy. Tôi có thể hiểu hết những cảm giác mà một người chết đuối đang cố tìm lấy chiếc phao cứu sinh, một người đang từng phút giành lấy mạng sống với Tử thần. Những cảm giác mà có lẽ trong đời tôi chưa từng quên. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày mà tôi đậu vào cấp 3: những giọt lệ lăn dài trên khuôn mặt bố mẹ tôi làm tôi chạnh lòng. Mẹ ôm tôi với tất cả niềm vui sướng. Còn bố chỉ lặng lẽ đứng nhìn tôi và mẹ. Một nụ cười thoáng hiện khiến lòng tôi như được sưởi ấm. Cái cảm giác suýt rớt khiến tôi thấy hụt hẫng và yếu đuối. Tôi thấy mình thật nhỏ bé và vô dụng. Nếu ý chí bị quật ngã ngay lúc đó thi có thể tôi sẽ không được như hôm nay. “Hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng bạn”- nhìn về tương lai đừng hoài niệm về quá khứ đau buồn hay mộng tưởng về cái thời hoàng kim đã qua chúng ta sẽ tìm được con đường cho đúng cho bản thân. Đứng lên sau mỗi lần vấp ngã sẽ làm chúng ta có thêm kinh nghiệm, rút ra được nhiều bài học quý giá bởi ý chí đã tăng thêm sức mạnh cho khối óc và đôi chân. Nhờ đó, con người có thể xô đẩy những bức tường vô hình để tiến tới con đường mà mình đã chọn. Ý chí chính là cánh cửa duy nhất để tiến tới sự thành công và hạnh phúc. “Kì thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi nên thành đường thôi” (Lỗ Tấn) – muốn tìm ra con đường phải có ý chí phấn đấu vươn lên như thế thì mới đạt được những mục đích mà bản thân để ra. Tính cách quyết định số phận của con người.
“Cánh én” hay “con ngựa sắt” là những cụm từ nói về tài năng của bác sĩ Glenn Cunningham người chạy nhanh nhất thế giới trong cự li một dặm. Sau một trận bỏng nặng ở cả hai chân khi mới lên năm, Glenn Cunningham được các bác sĩ chuẩn đoán rằng trường hợp của cậu là vô phương cứu chữa. Họ cho rằng cậu bé sẽ bị tàn tật và suốt đời phải ngồi xe lăn: “Cậu bé sẽ không bao giờ có thể đi lại được nữa”, họ khẳng định: “Không còn cơ hội nào nữa”. Các bác sĩ kiểm tra đôi chân của Glenn Cunningham, nhưng họ không thể hiểu được con người cậu. Cậu bé chẳng tin vào lời các bác sĩ, vẫn một mực bắt đầu tập đi trở lại. Nằm trên giường, với đôi chân đỏ đầy những vết sẹo chưa kéo da non, Glenn nguyện rằng: “Tuần tới mình sẽ bước xuống đường, mình sẽ đi được”. Và Glenn đã làm được. Mẹ cậu bé kể lại những lần bà vén màn nhìn ra cửa sổ, thấy cảnh Glenn rướn tay lên nắm lấy cái cày cũ kĩ trong vườn. Nắm lấy tay cầm của nó, cậu bé bắt đầu cuộc đấu tranh buộc đôi chân xương xẩu vặn vẹo của mình phải hoạt động. Mỗi bước đi của cậu là một bước đau. Mặt cậu bé liên tục nhăn lại, mồ hôi tủa ra như tắm. Nhưng cậu bé vẫn kiên định. Dần dần cậu có thể đi từng bước ngắn, và chẳng bao lâu sau, cậu gần như có thể đi lại bình thường. Khi cậu bé bắt đầu chạy được trên đôi chân chằng chịt sẹo bỏng của mình, cậu lại càng tỏ rỏ quyết tâm hơn. “Lúc nào tôi cũng tin là mình có thể đi được, và tôi đã làm như vậy. Còn bây giờ tôi đang cố gắng để có thể chạy nhanh hơn bất kỳ người nào khác”. Và cậu bé đã chứng minh rằng cậu có thể thực hiện những điều mình nói.Cậu bé ngày ấy đã trở thành nhà vô địch môn điền kinh đường trường cự ly một dặm khi lập kỷ lục thế giới trong thời gian chỉ có 4 phút 6 giây vào năm 1934. Anh đã được trao tặng bằng khen danh dự dành cho vận động viên tiêu biểu nhất thế kỷ ở quảng trường danh tiếng Madison. Một tấm gương rất đáng khâm phục sau khi gặp hàng loạt thất bại nặng nề những không bỏ cuộc chính là Walt Disney. Ngay sau khi xây dựng xưởng phim Disney Brothers, ông sáng tạo ra bộ phim Oswald the Lucky Rabbit. Vì sự non nớt của mình, ông đã tán thành một hợp đồng sản xuất và trong hợp đồng này ông sẽ sản xuất các bộ phim hoạt hình, nhưng công ty Mintz lại là chủ sở hữu các nhân vật. Bộ phim gây được tiếng vang lớn nhưng các nhà phân phối đã tàn nhẫn gạt người sáng tác ra khỏi cuộc chơi. Disney tuyên bố: “Không bao giờ ta làm việc cho bất kỳ ai nữa”. Sau thất bại với công ty phân phối Mintz, Walt Disney chán nản trở về California.Walt nhận ra rằng xưởng phim mới của mình sắp bị giải tán nếu như ông không phát minh ra nhân vật mới nào. Trở về California, bức phác thảo đầu tiên mà ông đưa ra là một con chuột hấp dẫn, lanh lợi, trông giống như tranh biếm họa. Để thực hiện bộ phim này, Disney phải bán chiếc xe ôtô thể thao yêu quý của mình. Ngày 18 tháng 11 năm 1928, Chuột Mickey được công diễn lần đầu ở Thành phố New York đã thu được thành công lẫy lừng. Bị ám ảnh từ thất bại trước, ông cố gắng phân phối phim hoạt hình của ông tới từng nhà hát. Lại một bài học mới xuất hiện, Chuột Mickey đang làm của cải trở lại nhưng số tiền quay trở lại với Disney rất ít ỏi. Cuối cùng, năm 1930, sau 7 năm ở Hollywood, Disney đã đầu hàng và bán xưởng phim, ký một thỏa thuận với hãng chiếu bóng Columbia, đồng ý phân phối phim với giá 7.000 USD một bộ phim, tiền chia đều cho hai bên nhưng Disney vẫn giữ bản quyền. Hãng phim Columbia đã phân phối phim hoạt hình của Disney đi khắp thế giới. Vào năm 1930, Chuột Mickey đã trở thành một nhân vật được toàn cầu quan tâm. Chẳng bao lâu, Disney đã nhận ra tiềm năng giá trị thương mại của Mickey. Ông trưởng thành, đủ kinh nghiệm lường trước những thất bại tiềm ẩn. Và cũng không phải thương trường ít chông gai hơn mà có lẽ mọi chông gai trở thành quá bé nhỏ đối với chàng khổng lồ Walt Disney. Nhờ vào ý chí họ đã đạt được những thành công rực rỡ. Họ cũng đã từng nếm trải những đau buồn thất vọng đời thường. Nhưng trong chính khoảnh khắc ấy họ đã bộc bộ những phẩm chất khác biệt giúp học luôn tiến về phía trước trong khi nhiều người chấp nhận đầu hàng, bỏ cuộc. Mỗi chúng ta cần phải củng cố niềm tin, tin tưởng vào bản thân mình, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn tiến về phía trước để có thể hoàn thành tốt mọi công việc và thành công trong cuộc sống.
Mỗi người trong chúng ta từ bây giờ nên xác định mục đích sống rõ ràng và hãy là chình mình trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta phải nỗ lực hết sức, quyết tâm cao độ và không được chùn bước dù gặp bất cứ khó khăn nào, luôn ước mơ và khát vọng vì ý chí chính là chiếc chìa khoá vạn năng để mở mọi cánh cửa trong cuộc sống.