“Chỉ cần có ý chí, không có gì là không thể”.
- DÀN Ý:
- Mở bài: Giới thiệu triết lí sống “Chỉ cần có ý chí, không có gì là không thể”
- Thân bài:
- a) Giải thích:
– Triết lí sống: là những điều rút tỉa bởi trải nghiệm, như một quan niệm nền tảng, cốt lõi trên cơ sở nhìn nhận điều gì là nguồn cội tâm thế, giá trị tinh thần, sức mạnh ứng xử,… được phát biểu ngắn gọn, xúc tích.
– Ý chí: thuộc phần nội tại, là ngọn lửa của cuộc sống, là sức mạnh của tinh thần, là tài sản vô hình lớn nhất của con người. Ý chí là yếu tố cần thiết cho cuộc sống của mỗi chúng ta, nó giúp ta làm nên những điều phi thường tưởng chừng như không thể, giúp ta kiên trì theo đuổi những mục đích đã được đặt ra, thực hiện những lí tưởng, những sự nghiệp đã được hướng tới.
b ) Bàn luận:
– Tại sao chọn triết lí sống “Chỉ cần có ý chí, không có gì là không thể” ?
– Ý nghĩa của triết lí.
– Dẫn chứng.
– Ngày nay lớp trẻ dường như thiếu ý chí rất nhiều và không tự mình vượt qua được những thử thách nho nhỏ trước khi bước vào đời.
– Nếu không có ý chí chúng ta thường nản lòng, chùn bước trước khó khăn, trước những lời bàn tán qua lại vu vơ, không kiên định vào lựa chọn của mình dễ tụt lùi, mất phương hướng.
- c) Bài học nhận thức: Mỗi người đều phải có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình, đừng bao giờ để cuộc đời mình cho người khác quyết định, đừng bao giờ quỵ ngã trước những khó khăn bởi vì chúng chỉ là những bước đệm trên con đường dẫn đến thành công mà thôi.
- Kết bài:
Khẳng định vai trò của triết lí sống “Chỉ cần có ý chí, không có gì là không thể” đối với bản thân.
- BÀI LÀM:
“Cố lên nhé! Mong Nguyên có đủ ý chí để không bị nghịch cảnh xô ngã, không bị những khó khăn đè bẹp. Chỉ cần có ý chí thì không có gì là không thể cả!” là lời đề tặng với nét chữ nắn nót kèm theo trong cuốn sách “Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường” mà một người bạn đã gửi tặng tôi trước cái ngày tôi “khăn gói quả mướp” từ quê lên thành phố học.
Chúng ta đang sống trên đời có bao giờ bạn tự hỏi bản thân xem mình đã sống ra sao, sẽ sống như thế nào, đã làm được gì cho cuộc sống này chưa? Có lẽ mỗi người trong chúng ta ít nhất một lần trong đời đụng phải những câu hỏi này và có những triết lí sống cho riêng mình. Có người nghĩ “Cuộc đời là một giá trị cân bằng, giá trị bạn nhận được bằng giá trị bạn đóng góp cho cuộc đời”. Có người cho rằng “Sống là không chờ đợi”… Có thể xem triết lí sống là những điều rút tỉa bởi trải nghiệm, như một quan niệm nền tảng, cốt lõi trên cơ sở nhìn nhận điều gì là nguồn cội tâm thế, giá trị tinh thần, sức mạnh ứng xử,… được phát biểu ngắn gọn, xúc tích – như một tín điều, làm kim chỉ nam cho cách xử thế, hành động, lối sống của một cá nhân hay một cộng đồng. Riêng tôi chọn cho mình cái triết lí “Chỉ cần có ý chí, không có gì là không thể !”
Lúc mới lên thành phố, cuộc sống hiện đại hối hả, tất bật khiến tôi quay quắt với những hoài nghi về khả năng của bản thân mình khi kết quả học tập không như những gì mình mong đợi. Dù hiểu cuộc sống không bao giờ dễ dàng nhưng tôi vẫn không tránh khỏi những thời khắc tự ti khi đối diện với chính mình. Khá nhiều lần tôi cảm giác mình giống như những cái bóng bên lề xã hội, mờ nhạt và vô danh. Mỗi lần như thế tôi lại lôi quyển sách của nhỏ bạn ra mà đọc về những con người có thật đã vượt qua những nghịch cảnh của cuộc đời làm nên những câu chuyện cổ tích có thật về sức mạnh ý chí tuyệt vời của con người, nó giúp tôi nhận ra rằng chắc chắn đã và đang có những con người phải đối diện với những khó khăn tưởng như phải đầu hàng số phận nhưng họ vẫn vươn lên. Những suy nghĩ tiêu cực về những hạn chế của bản thân, về cuộc sống sẽ tan dần trong tôi.
Đó là nhà văn M. Gorki tuy mồ côi, bị ném vào đời kiếm sống từ nhỏ, gian khó vô cùng, có lúc mất niềm tin vào cuộc sống nhưng đã trở thành nhà văn bậc thầy của giai cấp vô sản, con người được nhân dân thế giới kính trọng vì một vốn hiểu biết văn hóa vừa rộng lớn vừa sâu sắc.
Đó là Helen Keller – một người phụ nữ vừa mù vừa điếc lúc nhỏ đã trở thành nhà văn ở tuổi hai mươi và tốt nghiệp đại học với bằng danh dự ở tuổi hai mươi bốn tại trường đại học Radcliffe của Mỹ. Cô còn trở thành một diễn giả được yêu thích, thậm chí, cô còn viết và xuất bản sách.
Đó là Glenn Cunningham, người chạy nhanh nhất thế giới trong cự ly một dặm vốn là một cậu bé bị bỏng nặng bị tổn hại đến mức có thể cậu sẽ sống một cuộc đời tàn phế. Nhưng cậu bé dũng cảm quyết định mình sẽ không là người tàn phế. Nhờ bàn tay của mẹ, nhờ ý chí sắt đá, cậu đã tự đứng dậy, bước đi và chạy. Cậu bắt đầu đi bộ đến trường, rồi chạy tới trường, chạy để tận hưởng niềm vui sướng được chạy. Sau này cậu chạy với tư cách là vận động viên chuyên nghiệp được mệnh danh là “cánh én”, “con ngựa sắt”, “con tàu tốc hành”
Trong quá trình sống và học tập giúp tôi nhận ra rằng những người đã làm nên những điều kì diệu ấy hoàn toàn không phải là siêu nhân hay thần thánh gì cả. Họ chỉ là những con người bình thường. Họ cũng từng nếm trải những buồn đau và thất vọng đời thường. Nhưng chính trong khoảnh khắc ấy, họ bộc lộ những phẩm chất khác biệt, những phẩm chất đã giúp họ luôn tiến về phía trước trong khi những người khác chấp nhận bỏ cuộc. Phấm chất ấy chính là ý chí.
Sức mạnh cơ bắp của mỗi người là có hạn, nhưng ý chí thì vô hạn, nó thuộc phần nội tại, là ngọn lửa của cuộc sống, là sức mạnh của tinh thần, là tài sản vô hình lớn nhất của con người. Ý chí là yếu tố cần thiết cho cuộc sống của mỗi chúng ta, nó giúp ta làm nên những điều phi thường tưởng chừng như không thể, giúp ta kiên trì theo đuổi những mục đích đã được đặt ra, thực hiện những lí tưởng, những sự nghiệp đã được hướng tới
Nhà khoa học và phát minh nổi tiếng, “cha đẻ” của điện thoại Alexander Graham Bell chỉ ra: “Thành công sẽ đến với những ai biết rõ mình muốn điều gì và không bao giờ bỏ cuộc cho tới khi đạt được điều đó”. Những con người phi thường đều là những người đã kiên trì vượt qua nhiều thách thức khó khăn nhất. Để đạt được điều phi thường họ dũng cảm dấn bước theo con đường mới và làm những việc họ chưa từng làm. Không có thành công vượt trội nào đạt được mà thiếu ý chí kiên cường và lòng quyết tâm. Ý chí và lòng quyết tâm giúp phát huy tiềm năng to lớn trong mỗi con người
Thành công luôn đón chờ những con người kiên trì và quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu đã chọn. Cựu thủ tướng Anh Benjamin Disraeli quan niệm: “Khi con người sống cùng mục tiêu của mình thì sớm muộn cũng sẽ đạt được mục tiêu đó, không có trở ngại nào có thể ngăn cản ý chí và lòng quyết tâm của con người”. Nhà văn Nguyễn Đình Chiểu với những bất hạnh chồng chất: mẹ mất, lỡ đường công danh, mù mắt, người yêu bội ước… nhưng ông đã vượt qua tất cả để trở thành thầy thuốc tài giỏi, thầy giáo mẫu mực, nhà thơ nhà văn lớn ở thế kỷ XIX.
Mỗi lần vượt qua một khó khăn, thử thách là một lần ý chí được tôi luyện thêm, tích lũy thêm kinh nghiệm và khơi dậy thêm khả năng tiềm ẩn của bản thân. Ai đó đã có câu nói rất hay: “Người bi quan tránh gió, người lạc quan hi vọng gió đổi hướng, người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm”. Đó là sự khác biệt lớn giữa người thành công và kẻ thất bại.
Không được may mắn như bao người, tuổi thơ của Nguyễn Ngọc Ký là những chuỗi ngày buồn tủi vì đôi tay teo cơ không cầm nắm được. Nhưng với khát khao được đi học, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký đã không chịu thua số phận, cố gắng mày mò và tập viết bằng chân. Nhờ ý chí và nghị lực phi thường, Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành học sinh giỏi, đỗ vào trường đại học tổng hợp Văn Hà Nội. Ba mươi lăm năm trong nghề, thầy Nguyễn Ngọc Ký không chỉ truyền đạt những bài học từ sách vở cho bao thế hệ học trò, thầy còn là tấm gương đầy ý chí nghị lực cho mọi người noi theo.
Ngày còn bé tôi rất thích nhìn những con kiến, dường như chúng không bao giờ bỏ cuộc. Nếu một con kiến đang đi về một hướng nào đó, và chúng ta tìm cách chặn đường chúng, Kiến sẽ tức thì tìm cho mình một con đường khác. Chúng trèo qua chướng ngại, chui xuống dưới hoặc chui vòng sang bên hông. Chúng không ngừng tìm kiếm một giải pháp khác để vượt qua chướng ngại vật phía trước. Quả là một triết lý gọn gàng và đơn giản: không ngừng tìm kiếm hết cách này đến cách khác để tiến đến mục tiêu mà chúng ta nhắm tới.
Ngày nay lớp trẻ dường như thiếu ý chí và không tự mình vượt qua được những thử thách nho nhỏ trước khi bước vào đời. Cha mẹ đã tập cho chúng ta thói quen sống dựa dẫm và được bảo bọc quá kỹ khiến cho rất nhiều người trong chúng ta mất đi ý chí và nghị lực của bản thân. Nhiều người không muốn tự bươn chãi và tự lo lấy cuộc sống của mình. Chúng ta sợ, sợ đối mặt với cuộc sống…
Cuộc sống sẽ luôn đổ lên chúng ta rất nhiều khó khăn thử thách và cả những sai lầm do chính chúng ta gây nên. Chúng có thế xảy ra vào những lúc không mong chờ nhất. Trước những khó khăn, thử thách ấy mỗi người sẽ có những lựa chọn cách đón nhận đối đầu hay phó thác cho số phận, trốn chạy đi tìm nơi trú ẩn hay tự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới, cũng có người chìm vào biển tự thương thân trách phận để rồi gục ngã trong cơn giông tố của cuộc đời… Nếu không có ý chí chúng ta thường nản lòng, chùn bước trước khó khăn, trước những lời bàn tán qua lại vu vơ, không kiên định vào lựa chọn của mình dễ tụt lùi, mất phương hướng.… Dù thế nào đi nữa tôi cũng muốn nói rằng chỉ khi nào chúng ta thực sự chinh phục được chúng chúng ta mới trở nên mạnh mẽ và dũng cảm hơn trước cuộc đời. Mỗi người đều phải có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình, đừng bao giờ để cuộc đời mình cho người khác quyết định, đừng bao giờ quỵ ngã trước những khó khăn bởi vì chúng chỉ là những bước đệm trên con đường dẫn đến thành công mà thôi.
Trong chuyến phiêu lưu của cuộc đời, ai cũng kiếm tìm cho mình một tia hy vọng như nắm hạt vô tri trong lòng bàn tay nở thành ngàn bông hoa rực rỡ. Dù cho trước đây tôi chỉ là một cô gái nhỏ bé, nhưng rồi một ngày tôi sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn. Dù cho những giấc mơ nhỏ bé của riêng tôi vẫn chưa thành hiện thực, nhưng chắn chắn một ngày không xa những giấc mơ ấy sẽ bay cao chỉ cần có ý chí thì không có gì là không thể cả … Tin tôi đi!