Trong cuộc sống này những gì mà bạn cho đi không bao giờ ít hơn những gì mà bạn nhận được.
- DÀN Ý
- Mở bài: Giới thiệu triết lí sống: Trong cuộc sống này những gì mà bạn cho đi không bao giờ ít hơn những gì mà bạn nhận được.
- Thân bài:
- a) Giải thích:
– Cho là gì? Cho ở đây không nhất thiết phải là cho những giá trị vật chất, mà đáng quý hơn cả là cho những giá trị tinh thần.
– Nhận là gì? Người được nhận cũng không nhất thiết phải nhận được vật chất mà có thể là sự nhận về những giá trị tinh thần cao đẹp.
– Là con người ai cũng luôn muốn được nhận nhiều hơn cho. Thế nhưng cuộc sống này luôn rất công bằng, “gieo nhân nào gặt quả đấy” chúng ta cho đi bao nhiêu thì chắc chắn sẽ nhận lại được bấy nhiêu.
- b) Bàn luận:
– Trong sâu thẳm trái tim mỗi người luôn có sự hiện diện của tình thương và sự quan tâm. Đó sẽ là món quà ý nghĩa nhất, quý giá nhất, thiêng liêng nhất mà ai cũng muốn nhận được.
– Hạnh phúc mà ta nhận được khi đã cho đi chỉ thực sự đến khi sự cho đi ấy xuất phát từ cả tấm lòng, không vụ lợi, toan tính.
– Sự cho đi – bản thân nó đã là một phần thưởng.
- c) Bài học nhận thức: Mỗi chúng ta hãy tập cho mình cách sống sẵn sàng cho đi để cuộc đời này thêm nhiều ý nghĩa.
- Kết bài: Ý nghĩa của triết lý sống.
- BÀI LÀM:
Trong guồng sống tất bật của cuộc đời, không ít người đã vô tình để cho mình bị cuốn đi theo dòng chảy thời gian; để rồi đến một lúc nào đó, khi đã tìm được cho mình một khoảng lặng giữa nhịp sống xô bồ ấy, con người ta chợt thấy mình đang dần mất đi phương hướng. Mình đang sống vì ai? Vì cái gì? Vì vậy, để không bị cuộc sống khắc nghiệt làm cho bão hòa, làm cho mất đi mục tiêu sống thì mỗi người tốt nhất nên có cho mình một triết lí sống. Để từ triết lí sống ấy ta tìm được chỗ dựa vững chắc cho những bước đi trên con đường tìm đến thành công và hạnh phúc.
Tùy theo những trải nghiệm và cảm nhận về cuộc đời mà mỗi người tự chọn cho mình những triết lí sống khác nhau. Riêng với tôi, tôi luôn cố gắng làm theo một điều mà tôi hằng tâm đắc đó là: trong cuộc sống này những gì mà bạn cho đi không bao giờ ít hơn những gì mà bạn nhận được.
Cho ở đây là cho cái gì? Đó có thể là sự cho đi về vật chất. Ta quyên góp tiền giúp đỡ những người gặp khó khăn, trao tặng sách vở cho trẻ em nghèo. Nhưng cũng đáng quý hơn cả là sự cho đi những giá trị tinh thần. Đó có thể chỉ là một cái vỗ vai động viên khi cuộc sống đang trở nên quá khó khăn, là ánh mắt ngời sáng khi ta chúc mừng thành công của một người thân, là một ly trà gừng khi ai đó đang cảm thấy lạnh… Tất cả chỉ là những cử chỉ giản đơn nhưng lại có đủ sức làm vơi bớt đi nỗi đau và nhân đôi niềm hạnh phúc.
Còn nhận ở đây là nhận những gì? Trước hết đó có thể là cái nhận về vật chất. Khi còn nhỏ, ta nhận được những giá trị vật chất mà ba mẹ cung cấp hoặc với những gia đình khó khăn thì đó là số tiền trợ cấp từ chính quyền. Nhưng cũng quan trọng nhất là cái nhận về tinh thần. Đó là lời an ủi của người bạn thân khi ta gặp chuyện buồn, là tiếng vỗ tay động viên khi ta cảm thấy bối rối, là sự tĩnh lặng tuyệt đối khi ta cần sự tập trung để làm việc… Những điều ta nhận được ấy có thể không giúp ta giải quyết được những khó khăn trước mắt nhưng nó sẽ giúp ta biết rằng mình không hề cô đơn cũng như đã và đang được yêu thương.
Cho và nhận tưởng chừng như là hai khái niệm hoàn toàn đơn giản nhưng đối với đa số chúng ta để cân bằng được nó lại không hề dễ dàng. Bởi lẽ là con người ai cũng luôn muốn được nhận nhiều hơn cho . Thế nhưng cuộc sống này luôn rất công bằng, “gieo nhân nào gặt quả đấy”, chúng ta cho đi bao nhiêu thì chắc chắn sẽ nhận lại được bấy nhiêu. Khi ta trao yêu thương thì cũng sẽ được yêu thương trở lại , khi ta giúp đỡ người khác thì cũng là lúc ta tự giúp đỡ chính mình. Bởi lẽ cuộc đời là một chuỗi những điều bất ngờ . Biết đâu rằng một ngày nào đó chính ta sẽ là người cần lắm một sự giúp đỡ từ người khác giống như ta đã từng làm cho họ. Như vậy, có thể nói khi ta cho đi cũng là lúc ta đang gieo trồng những hạt giống để đến một lúc nào đó ta sẽ nhận lại được những lợi ích mà chính những hạt giống ấy mang lại. Có ai đó đã từng nói rằng “ hạnh phúc là một cái rất kì lạ mà người ta chỉ nhận được khi đem nó cho người khác”. Vì vậy mỗi chúng ta hãy thử cho đi một cái gì đó để rồi biến niềm hạnh phúc của người khác thành niềm hạnh phúc của chính mình.
Xin kể một câu chuyện rằng: Người ta bảo ở bên Palextin có hai biển hồ. Biển hồ thứ nhất gọi là Biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Cá không thể sống nổi với nuớc trong hồ và khi con người uống phải thứ nước trong hồ cũng bị bệnh. Ai ai cũng đều không muốn sống gần đó. Biển hồ thứ hai là Galilê. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này… Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào Biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chảy về đâu cả, không chia sẻ nên nước trong Biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình. “Sự sống” trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng Biển Chết.
Chúng ta không phải là những Robinxơn đang sống một mình trên đảo hoang mà tất cả chúng ta đều là những thành viên sống trong một cộng đồng. Trong cộng đồng ấy, mỗi thành viên chắc chắn đều được gắn kết với nhau bằng một sợi dây vô hình. Vì vậy, ta sống không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả những người xung quanh nữa. Thế nên “cho” là một điều không thể thiếu. Với nhiều người có thể sẽ thấy lung túng khi họ thấy mình không có gì để cho cả: tiền bạc không, vật chất không. Vậy họ có thể cho đi cái gì? Đừng quên rằng, trong mỗi chúng ta vẫn luôn còn tình thương và sự quan tâm. Đó sẽ là món quà ý nghĩa nhất, quý giá nhất mà ai cũng muốn nhận được.
Hầu hết chúng ta ai cũng đều biết đến những câu như: “Hạnh phúc là cho đi”. Thế nhưng không phải ai cũng làm được như vậy. Hạnh phúc mà ta nhận được nhận được khi đã cho đi chỉ thực sự đến khi sự cho đi ấy xuất phát từ cả tấm lòng, không vụ lợi, toan tính. Nếu ai đó làm gì hoặc trao cho ai cái gì với ý nghĩ mong chờ một sự hàm ơn từ họ thì đó chỉ là lớp vỏ tốt đẹp bên ngoài của một tâm hồn chứa đầy sự ích kỉ. Bởi lẽ mục đích cuối cùng của người đó cũng chỉ là mang lại lợi ích cho mình mà thôi. Thực ra, để sống theo quan niệm “hạnh phúc là cho đi” không phải là quá khó. Bởi lẽ nếu dùng trái tim để để cảm nhận ta sẽ thấy rằng phải chăng ta đã nhận được quá nhiều để không cần nhận thêm bất cứ điều gì. Sự thật là những gì phần lớn chúng ta đang có trong tay đã là quá nhiều. Chúng ta có một mái ấm gia đình, có được những bữa ăn no, có nơi để đến và có quá nhiều sự lựa chọn. Sự cho đi – bản thân nó đã là một phần thưởng. Giúp đỡ người khác là hành động thể hiện lòng trân trọng và biết ơn đối với cuộc sống mà ta đang được hưởng. Khi ta nhận ra rằng mỗi ngày trong đời mình đều là một món quà vô giá, rất tự nhiên ta sẽ cảm thấy một sự thôi thúc muốn làm một điều gì đó để trả ơn cuộc đời này.
Tất cả chúng ta đang lao đi quá nhanh để đuổi kịp tiến độ của cuộc sống hiện đại. Cuộc sống với những nỗi lo toan, bận tâm có thể sẽ khiến chúng ta sao nhãng những mối quan hệ, không còn coi trọng tình cảm. Khi đó nếu con người biết tập cho mình cách sống sẵn sàng cho đi phải chăng sẽ là ánh sáng rực rỡ nhất đẩy lùi cái lạnh lẽo trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống hay sao?